Câu hỏi dành cho doanh nghiệp

Việt Thắng 13/04/2017 08:00

Thay vì một bài diễn văn được chuẩn bị trước tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương (11/4/2007 - 11/4/2017) do Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trải lòng khi chỉ ra những bất cập, hạn chế, yếu kém của khối doanh nghiệp nhà nước với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, một tình trạng sân trước, sân sau đan xen lợi ích nhóm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Một sự cương quyết của Thủ tướng, một sự phá lệ khi thông thường vào dịp kỷ niệm người ta hay nhắc đến những điểm hồng, những thành tích báo cáo dài nhiều trang, nhưng người đứng đầu Chính phủ đã nhắc đến những yếu kém tồn tại 10 năm kéo lùi sự phát triển của DNNN, mà tựu trung là kéo lùi sự phát triển của đất nước. Trong thời gian hơn 30 phút đề cập đến 6 vấn đề nhưng vấn đề đầu tiên, xuyên suốt được Thủ tướng đề cập chính là công tác cán bộ.

“Hai anh kinh doanh giống nhau, nhưng anh có điều kiện tốt hơn lại lỗ chỏng gọng là do công tác cán bộ, tâm và tầm của người quản lý”- Thủ tướng đặt vấn đề trước khi chỉ ra công tác cán bộ quyết định tất cả, công tác cán bộ là gốc, mọi việc thành bại đều do cán bộ, công tác cán bộ mà làm tốt, cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp thành công. Đi liền với đó là công tác quản lý đầu tư và quản lý vốn.

Những bài học như vay vốn lớn, đầu tư dàn trải dẫn đến hậu quả xấu, năng suất lao động thấp trong thời gian qua cho thấy phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Mà theo người đứng đầu Chính phủ, cán bộ phải biết đặt cái chung lên trên, không ăn chia, không tham nhũng tiêu cực trong đầu tư xây dựng thì mới thành công. Còn cán bộ mà không rèn luyện, tu dưỡng, không đặt cái chung lên trên thì thất bại là lẽ tất nhiên.

Nền kinh tế đã bước sang quý 2 của năm 2017, dẫu chưa có báo cáo chính thức về hoạt động của DNNN, nhưng cùng kỳ năm ngoái, một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) đã đưa ra sự cảnh báo về hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút, thua lỗ.

Ẩn sau con số là những thực tế, chẳng hạn như: tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu năm 2014 của TCT Lâm nghiệp là 8,6% (giảm 3,48% so với năm 2013); Vinaconex 8,5% (giảm 3,33%); PVN 15,56% (giảm 10,45%); Hfic 22,64% (giảm 2,64%); IDICO 9,8% (giảm 1,42%). Hay như có đến 5/38 TĐ, TCT, công ty kinh doanh thua lỗ, như: Vinalines lỗ 3.478,48 tỷ đồng; TCT 15 lỗ 471,1 tỷ đồng; Vinaincon lỗ 131,96 tỷ đồng; TCT Mía đường II lỗ 15,18 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỷ đồng.

Nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn như các tổng công ty: Văn hóa Sài Gòn, Công nghiệp Sài Gòn, Mía đường II, Vinataba, Đường sông miền Nam, Du lịch Sài Gòn, EVN miền Trung, EVN Hà Nội, Vinalines…Còn trong đầu năm 2017, từ vị thế là một tập đoàn kinh tế hàng đầu với lợi nhuận mỗi năm lên đến vài nghìn tỷ đồng, thì Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vinachem bất ngờ báo lỗ 627 tỷ đồng trong năm 2016.

Được ưu ái trong suốt thời gian dài, được ví như những đứa con cưng hàng ngày được bú sữa mẹ, được bơm tiền từ “bầu sữa nhà nước” nhưng tại sao với lợi thế của mình lại ngập trong thua lỗ, nợ đọng? Đây là sự thất thoát lãng phí lớn nguồn lực nhà nước dẫu được “ăn” hàng ngày. Con khóc thì mẹ cho bú nhưng sao đứa con cưng vẫn ngày càng còi cọc, ốm yếu.

Một phản xạ có điều kiện được hình thành khi được bơm tiền thường xuyên nhưng lại được nuông chiều quá mức, thiếu kiểm tra, giám sát. Con hư thì tại mẹ, nói một cách sòng phẳng những yếu kém đó ít phần có nguyên nhân từ quản lý nhà nước, mà cán bộ đứng đầu là cốt lõi, không tương xứng và một thực tế hiển nhiên khi lương của lãnh đạo các TĐ, TCT luôn ở mức ngất ngưởng cao hơn nhiều lần so với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng hay Chủ tịch Quốc hội.

Nhìn lại chặng đường 10 năm ấy, đặt ra câu hỏi DNNN cần làm gì? Thủ tướng nhắc đến việc tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược chứ không phải ăn xổi ở thì, nhìn trước mắt không nhìn lâu dài, nói không với tham nhũng tiêu cực chống tình trạng “sân trước sân sau”. Tình trạng “trích không có hồ sơ, không đúng đối tượng hoặc chưa đủ điều kiện” được Kiểm toán nhà nước đề cập đến trong bản báo cáo được Thủ tướng đề cập thẳng thắn chính là việc bè phái cục bộ, bưng bít thông tin, tổ chức đường dây tham nhũng làm chứng từ giả để rút tiền nhà nước.

Mà do đó việc rèn luyện để có tư duy quản lý điều hành tốt khi hội nhập quốc tế sâu rộng, tinh thần dám nghĩ dám làm cần được được khẳng định và phát huy trong thời gian tới. Mà then chốt chính là nâng cao vai trò của cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Khi tư duy lạc hậu thì làm sao đáp ứng yêu cầu phát triển, làm sao chống được 27 hành vi “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” về chính trị tư tưởng đạo đức lối sống trong cán bộ đảng viên?

Tay ngoài dài hơn tay trong, hay đầu tư sân trước, sân sau có phần lợi ích cục bộ được Thủ tướng đề cập đến, cũng chính là những trăn trở của Đảng. Trong những ngày đầu năm 2017, làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên hàng loạt câu hỏi cần Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, giải đáp: Nguyên nhân do đâu kinh tế - xã hội Việt Nam chưa phát triển nhanh và bền vững? Vì sao nhiều TĐ kinh tế, TCT nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn với những công trình hàng nghìn tỷ đồng “bị đắp chiếu”? Nhưng hầu như không thấy Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến gì. Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý?”.

Từ vấn đề nêu lên, Tổng Bí thư giao Ban Kinh tế Trung ương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương để phát hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Yêu cầu đề ra với các lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương là phải nhanh nhạy, sắc bén và kiên quyết hơn trong việc này, kịp thời báo cáo Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và đề xuất các giải pháp thanh tra, điều tra, ngăn ngừa và khắc phục, bảo đảm an ninh kinh tế.

Tình trạng tổ chức lễ khởi công hình thức, lãng phí đang là gánh nặng đặt lên bàn doanh nghiệp thông qua những chi phí không chính thức. Do đó nâng cao năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược trong phát triển, làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ đó là căn cứ để doanh nghiệp nhà nước hoạt động và hạch toán, tức không nhập nhèm nhiệm vụ chính sách và kinh doanh.

Cuối bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã nhắc nhở: Đừng tưởng Thủ tướng không biết chuyện này chuyện khác đâu, và ông khẳng định “Thủ tướng biết đấy!” khi đề cập đến cổ phần hóa phải chống thất thoát tài sản nhà nước. Một sự cảnh báo có địa chỉ.

Và cũng trong ngày 11/4, đề cập đến mục tiêu GDP là 6,7%, các chuyên gia của HSBC đã khuyến nghị: Để gia tăng việc mở rộng tăng trưởng và giúp làm giảm tình hình biến động sản lượng kinh tế thì Chính phủ cần phải có nhiều cuộc cải tổ, đặc biệt là liên quan đến hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn nhà nước và sự ra đời các chính sách tài khóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu hỏi dành cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO