Chăm lo bảo vệ những 'cột mốc chủ quyền'

Nguyên Khánh 18/04/2016 09:32

Trong bài phát biểu đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hứa trước Quốc hội, trước đồng bào rằng cá nhân ông và tập thể Chính phủ sẽ “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”. Và để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không thể quên những “cột mốc chủ quyền”, đó là những ngư dân ngày đêm bám biển.

Chăm lo bảo vệ những 'cột mốc chủ quyền'

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn ngư dân các điều kiện
đảm bảo an toàn trước khi ra khơi.

Biển không yên, lòng dân vẫn vững

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết: Khi thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển của Việt Nam, ngư dân Việt Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề an toàn. Theo đó, từ đầu năm 2014 đến nay đã có 3.967 vụ tàu cá gặp tai nạn trên biển, với 2.364 người chết và bị thương. Các tai nạn chủ yếu do các sự cố đâm va, mắc cạn, hỏng máy, phá nước, nổ bình gas, nổ ắc quy và các tai nạn lao động khác.

Còn theo ông Lưu Văn Huy- Cục trưởng Cục Kiểm ngư, các tai nạn của ngư dân thường xảy ra ở vùng có bão, áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển Bắc Bộ, miền Trung và Đông Nam Bộ. Cùng đó, tai nạn tàu cá, đâm va, đâm chìm còn xảy ra tại các vùng biển nhạy cảm, tranh chấp. Ngoài ra, ngư trường đan xen với các tuyến đường hàng hải quốc tế trên Biển Đông cũng khiến xảy ra nhiều vụ tai nạn đâm va, nhất là vào ban đêm do thiếu đèn báo hiệu, có cảnh báo tự động…

Theo lãnh đạo Cục Kiểm ngư, phần lớn tàu đánh bắt của ngư dân là tàu vỏ gỗ nhỏ, đã hoạt động nhiều năm, dùng các máy cũ, thiếu các thiết bị an toàn hàng hải, phao cứu sinh, bình chữa cháy, thiết bị y tế… Các tàu bị tai nạn chủ yếu có công suất dưới 250 CV, chiều dài đường nước thiết kế 20 mét trở xuống, thế nên, khi gặp phải sự cố ngư dân không chỉ mất của thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài những sự cố trên, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cũng cho biết, ngư dân còn phải đối mặt với những thách thức khác như bị quấy nhiễu, bắt bớ từ các tàu nước ngoài. Dù khó khăn như vậy nhưng ngư dân Việt Nam vẫn vững vàng trên biển, tiếp tục vươn khơi để mưu sinh đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Chăm lo bảo vệ những 'cột mốc chủ quyền' - 1

Tàu vỏ thép mang số hiệu QNa 94679, cao mạn 3,3m. (Ảnh: Nguyễn Tú).

“Đội tàu 67” hùng dũng vươn khơi

Để tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc của ngư dân trên biển, rất nhiều nghị định đã được ra đời, trong đó Nghị định 67 giúp hiện đại hóa tàu cá đã được ngư dân hồ hởi đón nhận. Theo đó đã lần lượt xuất hiện những “con tàu 67” thậm chí là “đội tàu 67”. Mới đây, đầu tháng 3, chiếc tàu vỏ sắt của anh Nguyễn Văn Nhân ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã cùng với 13 chiếc tàu khác nhổ neo, ra khơi bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của mình. Đây là kết quả sau hơn một năm thực hiện đóng mới tàu thuyền có công suất lớn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ giúp ngư dân đóng tàu công suất lớn nhằm vươn khơi xa, bám biển dài ngày.

Ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc đóng tàu mới, có công suất lớn và trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại là khát vọng của ngư dân. Vì vậy, ngoài số tàu đã hạ thủy, số tàu thuyền còn lại được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, huyện Núi Thành sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân nhanh chóng hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Mặt khác, huyện cũng tạo điều kiện để ngư dân vay vốn đóng 2 tàu cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ, góp phần nâng cao năng lực vươn khơi của đội tàu thuyền và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân.

Ông Bùi Thế Cả - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang, Quảng Nam hồ hởi: Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Hải vừa có thêm 4 chiếc tàu vỏ thép. Trong đó có 2 chiếc hành nghề chụp mực, 2 chiếc hành nghề lưới vây. Con tàu vỏ thép trị giá gần 15 tỷ đồng của gia đình ông Cả cũng đang hoàn thiện, chờ ngày hạ thủy. “Có tàu vỏ thép, ngư dân miền biển này thêm tự tin bám biển, vươn khơi, góp sức gìn giữ chủ quyền”- ông Cả phấn khởi.

Tại Đà Nẵng, “con tàu 67” của ngư dân Trần Văn Mười cũng đã vươn khơi vào những ngày tháng 4 này. Anh Mười cho biết, “rất hạnh phúc khi nhìn con tàu gia đình mong mỏi lâu nay đã thành hình và chuẩn bị cho những hành trình dài. Sau rằm tháng 2, chúng tôi đã ra khơi chuyến đầu tiên. Trung bình cho một chuyến ra khơi tối đa là 30 ngày. Chúng tôi quyết tâm bám biển làm ăn và mong mỏi sẽ thu nhiều lộc từ biển, đồng thời góp sức nhỏ của mình bảo vệ chủ quyền trên biển”. Sau 18 tháng thực hiện nghị định 67, thành phố Đà Nẵng có 5 tàu đã và đang đóng mới, trong đó có 4 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ gỗ. Việc hiện đại hóa tàu cá, hy vọng sẽ đem lại những mùa cá bội thu dần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngư dân trên biển.

Không để ngư dân đơn độc trên biển

Ngư dân cũng phải được truyền đạt những kinh nghiệm, phương án cụ thể khi hoạt động trên biển. Họ cần phải được tập huấn, ứng phó, ứng xử khi ra khơi. Đồng thời, bà con dù đang sống trong nước hay ngoài nước cũng cần thể hiện hơn nữa tấm lòng và nghĩa vụ của mình bằng những phong trào hướng về ngư dân, như đã từng phát động sâu rộng, trong đó có phong trào “Tấm lưới nghĩa tình”, “Góp đá xây dựng Trường Sa”...

Để người dân yên tâm bám biển, nhất định không được để họ đơn độc, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn chia sẻ. Theo ông Sơn, với mỗi người dân Việt Nam, ai cũng cảm động khi nghe chuyện những ngư dân miền Trung nhiều lần bị phía nước ngoài khủng bố, đập phá tàu thuyền, tịch thu ngư cụ, kể cả đánh đập... nhưng vẫn quyết tâm ra khơi, vừa mưu sinh vừa bảo vệ chủ quyền. “Ngư dân của chúng ta là những người yêu nước. Nhưng sức người có hạn, ngư dân ta không thể cứ mãi ra khơi đối mặt với tình trạng bị khủng bố như vậy”. Theo ông Sơn, “những chính sách, chương trình chung sức hỗ trợ ngư dân hay những phong trào như “tấm lưới nghĩa tình”... dường như là chưa đủ.

Vậy nên chúng ta phải có trách nhiệm đồng hành với ngư dân trên biển, không thể để ngư dân đơn độc. Tôi bảo lưu quan điểm của mình là Quốc hội, Chính phủ cần có tiếng nói chính thức và mạnh mẽ hơn nữa trước các hành động đơn phương từ phía nước ngoài với ngư dân Việt Nam”. Vẫn theo ông Sơn, để bảo vệ ngư dân của mình trên vùng đánh cá truyền thống thuộc chủ quyền của chúng ta, Chính phủ cần chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo vệ ngư dân trên biển, hướng dẫn và tổ chức tốt hơn nữa các tổ đội đánh cá của ngư dân các địa phương ven biển. Chúng ta cần khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc để giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông.

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Luật gia Trần Công Trục cũng cho rằng, không thể để cho những con tàu của ngư dân đơn thương độc mã trên biển, cần có những biện pháp cụ thể để bảo vệ một cách hiệu quả cuộc sống của đồng bào mình.

Vì vậy, cần phải tăng cường lực lượng bảo vệ bảo đảm an toàn cho ngư dân. Phải có biện pháp ứng phó nhất định khi xảy ra sự việc để hạn chế những tổn thất, làm chỗ dựa cho những con tàu, những ngư dân không để họ đơn độc trên biển. Ngư dân cũng phải được truyền đạt những kinh nghiệm, phương án cụ thể khi hoạt động trên biển. Họ cần phải được tập huấn, ứng phó, ứng xử khi ra khơi.

Đồng thời, bà con dù đang sống trong nước hay ngoài nước cũng cần thể hiện hơn nữa tấm lòng và nghĩa vụ của mình bằng những phong trào hướng về ngư dân, như đã từng phát động sâu rộng, trong đó có phong trào “Tấm lưới nghĩa tình”, “Góp đá xây dựng Trường Sa”... để thiết thực giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần, để những con tàu của chúng ta tiếp tục vươn ra biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăm lo bảo vệ những 'cột mốc chủ quyền'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO