Chặn 'chảy máu' ngoại tệ

Thúy Hằng 15/11/2017 10:35

Một thống kê cách đây chưa lâu gây tranh cãi, đó là việc dòng ngoại tệ chảy khỏi Việt Nam qua các kênh mua nhà, du lịch, học tập và chữa bệnh ở nước ngoài mỗi năm cũng hàng tỷ USD. Cũng trong thời gian gần đây, nhiều người Việt Nam trước khi đi ra nước ngoài mở thẻ tín dụng để sau đó dễ rút tiền giao dịch. 

Để tránh việc “chảy máu ngoại tệ”, bất cứ quốc gia nào cũng có những biện pháp mang tính rào cản kỹ thuật. Với Việt Nam, điều đó lại càng cần thiết khi mà nguồn ngoại tệ chưa thật dồi dào.

Để bơm thêm lực cho các kỳ vọng đặt ra, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Tại Dự thảo Thông tư, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên đặt ra hạn mức rút tiền đối với chủ thẻ. Theo đó, đối với việc rút tiền mặt bằng thẻ ở nước ngoài, để hạn chế việc sử dụng tiền mặt (ngoại tệ) được rút từ thẻ sau đó chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối, Dự thảo Thông tư quy định một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.

Đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng Việt Nam trong một ngày. Đồng thời Dự thảo cũng quy định: Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỉ đồng Việt Nam. Trước đó, theo thông tư cũ quy định hạn mức tín dụng do tổ chức phát hành thẻ tự xác định theo quy định nội bộ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phù hợp với quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng.

Trên thực tế hiện nay, dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua máy POS đang rất phổ biến. Tuy nhiên, đa số những người chấp nhận rút tiền từ thẻ tín dụng với hạn mức lên đến 100% thường có khả năng không trả được nợ rất cao, nhiều trường hợp khách hàng bế tắc buộc phải đi vòng qua kênh này để xoay bằng được tiền mặt trả khoản nợ đến hạn khác. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đưa ra quy định về hạn mức rút tiền mặt trên thẻ tín dụng nhằm hạn chế rủi ro và hạn chế tội phạm mạng “tung hoành”. Thực tế Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc cho vay qua thẻ tín dụng, từ điều kiện cho vay, vấn đề hồ sơ, quy trình thủ tục và cả quy định về trách nhiệm thanh tra đối với hoạt động này.

Thế nhưng, dịch vụ này vẫn ngày càng bùng phát do lợi nhuận mang lại cho các công ty, cửa hàng vì chỉ cần đầu tư 1 cái máy POS họ có thể thu lợi nhuận khủng từ phí dịch vụ này. Còn đối với chủ thẻ vay được tiền của ngân hàng nhưng được hưởng mức lãi thấp hơn với quy định, rút tiền nhanh chóng và hạn mức tối đa mà không bị ngân hàng phạt.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc giới hạn hạn mức rút tiền theo ngày không chỉ nhằm hạn chế chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt, chi tiêu không đúng mục đích theo luật quản lý ngoại hối và hạn chế rủi ro giao dịch qua máy POS, mà thông qua biện pháp quản lý này các giao dịch rút tiền mặt với số lượng bị khống chế trong ngày cũng giúp giảm thiểu những thiệt hại nếu chẳng may chủ thẻ bị “hack” tài khoản lấy trộm tiền.

Hầu hết các chuyên gia tài chính đều đồng tình với quy định này của Ngân hàng Nhà nước và cho rằng việc đưa ra hạn mức rút tiền mặt qua máy POS sẽ hạn chế được rủi ro, nợ xấu.

Song nỗ lực chặn chảy máu ngoại tệ chưa đủ mạnh. Bởi nếu Ngân hàng Nhà nước cho rút ngoại tệ tại nước ngoài tối đa 30 triệu đồng/ngày (khoảng 1.300 USD) mà ngày nào cũng rút thì con số đó sẽ lớn hơn số 5.000 USD tiền mặt mà luật cho phép mỗi cá nhân được mang ra nước ngoài.

Trong khi đó, những năm gần đây việc chảy máu ngoại tệ đang được cảnh báo. Nhiều thống kê khác cũng chỉ ra, chỉ riêng dòng ngoại tệ chảy khỏi Việt Nam qua các kênh mua nhà, du lịch, học tập và chữa bệnh ở nước ngoài mỗi năm cũng hàng tỷ USD, gần tương đương khoản kiều hối mà Việt Nam nhận được (9 tỷ USD), bằng hai phần ba lượng vốn FDI thực hiện trong năm 2016 (15,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn 'chảy máu' ngoại tệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO