Chặn thực phẩm thải loại

Nguyên Khánh 30/07/2018 09:00

Chưa hết chuyện rác thải công nghiệp, rác công nghệ thì lại có thêm một loại rác độc hại nữa: Rác thực phẩm. Gà thải loại, nội tạng gia súc (ở nước khác, họ làm thức ăn chăn nuôi, phân bón) thì ta lại nhập về bán cho người dân để trở thành những món ăn trong các bữa cơm hàng ngày của không ít gia đình.

Chặn thực phẩm thải loại

Gà thải loại không rõ nguồn gốc bày bán công khai.

Theo Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm nay, lượng gà nhập khẩu vào nước ta lên đến gần 89.000 tấn, trị giá hơn 84 triệu USD. Do lượng nhập dồi dào nên các sản phẩm từ gia cầm này được bán tràn lan trên thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập một lượng phụ phẩm gia súc (heo, bò, trâu) sau giết mổ sống nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay là 22.831 tấn, trị giá hơn 23 triệu USD. Như vậy, mỗi tháng người Việt tiêu thụ hết gần 4.000 tấn phụ phẩm gia súc.

Không phải bây giờ chuyện nhập khẩu gà thải loại mới được nhắc đến, mà những cảnh báo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ bệnh tật đã được nói đến nhiều, nhưng rút cục gà thải loại vẫn nghiễm nhiên theo nhiều đường nhập vào Việt Nam. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến mặt hàng này vẫn có chỗ đứng trên thị trường là vì nó quá… rẻ.

Vậy thì vì sao gia cầm, phụ phẩm gia súc của một số nước nhập vào nước ta có giá rẻ như vậy, bởi vì đây là gà thải loại, là gà nuôi để lấy trứng nên không còn giá trị dinh dưỡng và tồn dư nhiều hóa chất, kháng sinh nên không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Ở các nước khác thực phẩm thải loại thường được nghiền làm thức ăn chăn nuôi, thậm chí vật nuôi cũng không sử dụng được vì không đảm bảo chất lượng mà loại thức ăn này được chế biến thành các loại thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng, thế mà gà thải loại khi vào Việt Nam nó trở thành thực phẩm trong mỗi bữa ăn của gia đình người Việt.

Đối với các sản phẩm nội tạng gia súc được nhập vào Việt Nam cũng có “chất lượng không thua kém” gà thải loại. Trong khi các nước khác không bao giờ ăn nội tạng, ngay sau quá trình giết mổ, các mặt hàng này được xử lý làm biogas thì ở ta cứ nhập về tiêu thụ bình thường mà không ngờ rằng, đây là nguồn lây lan dịch bệnh rất lớn.

Không chi mất an toàn vệ sinh, có nguy cơ bào mòn sức khỏe con người mà để gà ngoại, nội tạng ngoại nhập ồ ạt vào Việt Nam, một đất nước 80% là sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần đẩy người sản xuất trong nước vào cảnh khó khăn. Nhập khẩu nông sản một cách dễ dãi chắc chắn sẽ góp phần rất lớn “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước. Theo Bộ Công thương, từ ngày 1 đến ngày 20/7/2018 giá gà trong nước bị điều chỉnh theo xu hướng giảm trên toàn quốc. Giá gà miền Bắc giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg so với cuối tháng 6/2018, hiện còn 43.000 đồng/kg; ở miền Nam giá gà lông màu chỉ còn 29.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 6/2018 và thấp hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2017. Không thể cạnh tranh với gà thải loại vì giá quá rẻ, nhiều hộ chăn nuôi gà trong nước lâm vào cảnh khốn khó.

Phải ngăn chặn gà thải và những sản phẩm không đảm bảo chất lượng vào Việt Nam nếu muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ sản xuất trong nước, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi- Trưởng khoa Kinh tế Trường Đại học Nông Lâm TP HCM nói. Giải pháp được ông Ngãi đưa ra là “mạnh dạn chặn nhập các sản phẩm kém chất lượng này không cho vào Việt Nam. Cần sớm thông qua luật cấm nhập tất cả các sản phẩm thải loại, phế phụ phẩm gia súc, gia cầm”.

Để chặn loại những loại rác này phải xử phạt thật nặng những doanh nghiệp nhập khẩu, tiêu thụ, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt vấn đề giám sát thực phẩm, quy trách nhiệm của cơ quan chức năng phải được đặt lên hàng đầu. Cần thiết “phải loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hoá, biến chất. Xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức” để những cán bộ này có tinh thần trách nhiệm hơn như lời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo mới đây tại các cuộc họp về chống buôn lậu hàng gian hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn thực phẩm thải loại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO