Chống nạn mua bán người

Kiên Long 30/07/2016 08:10

Nạn mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà là vấn đề của toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày 29/3/2011, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30-7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Đó chính là quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm này.

Tranh minh họa. nguồn: vtv.vn.

Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến việc phòng, chống mua bán người (PCMBN)- vấn đề liên quan trực tiếp đến các quyền của con người. Cách đây 12 năm, ngày 14/7/2004, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (nay là Chương trình PCMBN- Chương trình 130/CP).

Để PCMBN có hiệu quả, công tác hợp tác quốc tế cũng được tăng cường như việc ký các công ước, nghị định thư quốc tế; ký kết Hiệp định hợp tác song phương về PCMBN với Campuchia (2005), Thái Lan (2008), ký kết Bản ghi nhớ lần 2 với Trung Quốc về hợp tác phòng, chống buôn bán người...

Ngày 29/3/2011 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật PCMBN với 8 chương, 58 điều (có hiệu lực từ 1-1-2012). Tiếp đó, cùng với việc triển khai Luật PCMBN, trong quá trình sửa đổi các luật như Luật Hình sự đều nhấn mạnh đến các tội phạm liên quan đến mua bán người.

Chính phủ cũng đã phê chuẩn, chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình quốc gia PCMBN giai đoạn 2016- 2020. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30-7 hàng năm là “Ngày toàn dân PCMBN người”. Ngày 3/6/2016, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch số 161/BCĐ chỉ đạo các bộ ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng. Giai đoạn 2011-2015, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 2.200 vụ, bắt hơn 3.300 đối tượng (tăng 11,6% số vụ so với cùng kỳ thời gian trước). Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi cả 63 tỉnh thành.

Nạn nhân của tội phạm mua, bán người phần lớn là phụ nữ, trẻ em gái (như năm 2015 có đến 85%) và không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên mà còn mua bán cả đàn ông, bào thai, nội tạng... Thủ đoạn vẫn là dụ dỗ những chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hứa đưa ra nước ngoài với thu nhập cao, lừa đi mua hàng, du lịch...rồi bán vào nơi bán dâm, làm vợ bất hợp pháp, thậm chí để ép bán nội tạng.

Theo thống kê có đến 70% nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc. Không chỉ các tỉnh biên giới như Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn... nóng loại tội phạm này mà các tỉnh phía Nam cũng không kém, như cơ quan công an phát hiện vụ 75 người bị lừa bán thận ở Cần Thơ, vụ 25 trẻ sơ sinh ở Đồng Nai, hay vụ 166 phụ nữ bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm, lấy chồng bất hợp pháp ở Tây Ninh... Gần đây, với nhiều vụ việc mua bán nội tạng mới được phát hiện ở Trung Quốc gần biên giới Việt Nam làm người ta không khỏi giật mình.

Nguyên nhân tình hình tội phạm mua bán người gia tăng, diễn biến phức tạp, như lãnh đạo Bộ Công an phân tích: do siêu lợi nhuận, mất cân bằng về giới, do khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, do mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh...

Trong những nguyên nhân nói trên, có một nguyên nhân đánh giá là công tác truyền thông chưa đủ mạnh. Trong khi đó, trên thực tế, qua thống kê các bộ ngành liên quan đã xây dựng hàng ngàn chuyên trang, chuyên mục, các tin, bảng tin, phóng sự, tài liệu truyền tải thông tin, thông điệp...

Riêng Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam trong 5 năm đã tổ chức tới 45 chiến dịch truyền thông thu hút hơn 44.000 người dân, 130.000 cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng với 12,5 triệu lượt người tham gia. Liên hợp quốc cũng đã đánh giá, xếp hạng Việt Nam thuộc nhóm II (quốc gia có nỗ lực đáng kể) trong báo cáo toàn cầu về mua bán người. Phải chăng việc tuyên truyền vẫn chưa đủ, chưa tới, còn hình thức? Ý thức của mỗi người và cộng đồng về vấn đề này chưa cao?

Và rồi, mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, đưa nhiều vụ việc mua bán người ra xét xử, như chỉ trong 5 năm đã đưa ra truy tố, xét xử hơn 1.000 vụ với hơn 2.000 bị can, bị cáo, nhưng phải chăng chế tài còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các công tác khác như giáo dục trong gia đình, xã hội, công tác quản lý nhà nước, xã hội...như Luật PCMBN quy định cũng còn lắm chuyện cần bàn. Ngay cả vấn đề tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân, hệ thống pháp luật cũng còn bất cập...

Rõ ràng việc PCMBN là một hoạt động hết sức khó khăn, phức tạp. Như Điều 4 Luật PCMBN đã quy định các nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý...; nguyên tắc phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong PCMBN; Tăng cường hợp tác quốc tế trong PCMBN....

Việc PCMBN không chỉ của các cơ quan chức năng mà cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Năm 2013, Liên hợp quốc đã chọn ngày 30-7 hàng năm là “Ngày thế giới PCMBN”.

Bắt đầu từ năm 2016, tại Việt Nam, ngày 30-7 còn được coi là “Ngày toàn dân PCMBN”. Hy vọng, từ ngày “Toàn dân PCMBN”, cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan chức năng cho đến mỗi người dân tiếp tục nhìn nhận, nâng cao nhận thức và hành động, quán triệt Chương trình PCMBN giai đoạn 2016-2020, thực hiện tốt Luật PCMBN, phối hợp với các chương trình phòng, chống tội phạm khác để công tác phòng, chống tội phạm mua bán người sẽ thực sự đạt được hiệu quả cao, các quyền của con người thực sự được bảo vệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống nạn mua bán người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO