Chuẩn bị sức bật cho nền kinh tế

Hạnh Nhân 14/04/2020 07:30

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 154/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19.

Chuẩn bị sức bật cho nền kinh tế

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh sản xuất.

Sự quyết liệt nhìn thấy rõ từ Chính phủ trong việc chuẩn bị sức bật cho nền kinh tế sau dịch bệnh. Cụ thể cùng với việc vừa phòng, chống kịp thời khống chế dịch Covid-19 vừa đảm bảo an sinh xã hội thì các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đang gấp rút chuẩn bị phương án sẵn sàng để dịch qua đi sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế. Nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.

Đáng chú ý, trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận mang tính toàn cầu, Việt Nam đã rất chủ động các kịch bản để ứng phó, kể cả khi dịch Covid-19 chưa kết thúc. Chính phủ đã có các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể tới như gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Chúng ta cũng có “cú đấm thép” là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

Đó chính là điều kiện cực kỳ cần thiết để nền kinh tế không đổ vỡ, ngược lại có thêm lực vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như bật dậy khi dịch đã đi qua.

Đặc biệt, về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu cần giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng vốn của năm 2019 và cả 2020; cần kiểm điểm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không giải ngân, và cần chuyển vốn cho nơi khác. Đối với gói hỗ trợ trên 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có nghị quyết nên các địa phương cần thực hiện ngay để gói hỗ trợ đến tận người dân khó khăn một cách sớm nhất.

Có thể hiểu rằng, cùng với dập dịch, an sinh xã hội thì việc phục hồi, phát triển kinh tế đã được Đảng, Nhà nước đặt ra rất cấp bách.

Theo nhận định của Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại cho nền kinh tế trên thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho những nước biết tận dụng, điều chỉnh và sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu. Vì thế, Việt Nam đã đưa ra các kịch bản, giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc. Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 cũng nhấn mạnh nhiều cảnh báo cho thấy dịch đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái.

Với Việt Nam, các ngành bị ảnh hưởng nặng như du lịch, vận tải, và các ngành dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, dẫn tới nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh cá thể bị tác động lớn, khi doanh thu giảm mạnh từ 40-50%, trong khi gánh nặng chi phí ngày càng tăng. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn: 35% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 3 tháng; 38% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 6 tháng…

Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Những tác động này sẽ tạo sức ép cho thị trường lao động, khiến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, có thể dẫn tới các vấn đề xã hội khác.

“Bộ KH-ĐT được giao chủ trì xây dựng các kịch bản vực dậy nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi kết thúc dịch Covid-19. Vì thế, nền kinh tế nước ta sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới, đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Các doanh nghiệp chủ động nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để phát triển nhanh và bền vững hơn cả trước khi dịch bùng phát”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá cao đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KHĐT khẩn trương xây dựng kịch bản để vực dậy nhanh nền kinh tế. Thậm chí, theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc này phải được thực hiện “ngay trong tuần sau”.

Với ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cũng khẳng định: Nguồn vốn dự trữ của Việt Nam khoảng 84 tỷ USD, sau dịch có thể kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá giảm thiểu các tác động tiêu cực để kinh tế phục hồi nhanh. Tỷ giá sẽ được điều hành linh hoạt, tiếp tục giảm lãi suất, đảm bảo đủ nguồn vốn cho doanh nghiệp vay để phục hồi sản xuất sau dịch. Hiện nay, lãi suất cho doanh nghiệp vay đã giảm 0,5-1%. Các ngân hàng đang cơ cấu lại các khoản nợ và cho vay mới khi doanh nghiệp có nhu cầu. Thời gian qua, biến động tỷ giá của VNĐ chỉ dao động ở mức 1,3-1,5%, khá ổn định so với nhiều nước trong khu vực. Dự tính, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm nay vẫn đạt 14-15% so với năm 2019.
Ngoài giải pháp chung của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh, thành cũng phải có những giải pháp cụ thể để sau dịch đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại dịch vụ. Các doanh nghiệp cần chú ý ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khởi nghiệp để bật dậy mạnh hơn khi chưa xảy ra dịch.

Với tinh thần ấy, sự chỉ đạo sâu sát quyết liệt ấy, kinh tế đất nước sẽ phục hồi nhanh chóng, đồng thời cũng có sự bật lên mạnh mẽ trong thời gian không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuẩn bị sức bật cho nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO