Còn nhiều trăn trở

Thanh Tùng 30/11/2017 10:15

Với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn”, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX, dù khép lại nhưng dư âm, dấu ấn và các cung bậc cảm xúc khác nhau vẫn đọng lại trong lòng công chúng và người yêu điện ảnh. Đêm 28/11, hàng trăm khán giả rời Nhà hát Trưng vương, Đà Nẵng trong cảm giác tiếc nuối…


Bộ phim “Em chưa 18” đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX.

Dù tiết trời Đà Nẵng mưa liên tục trong suốt thời gian diễn ra LHP, nhưng cũng không ngăn được tình cảm của công chúng yêu điện ảnh. Sự chào đón LHP lần thứ XX này cũng giống như năm 1988, khán giả chào đón LHP lần thứ VIII. Nếu như trước đây với những tên tuổi nổi như cồn thì nay là những hy vọng vào những cái tên mới lạ mới nổi.

Ban tổ chức ghi nhận: Thành công của những buổi chiếu phim tại rạp và chiếu ngoài trời là minh chứng cho sự nồng hậu cùng tình yêu mãnh liệt dành cho điện ảnh của người dân TP biển Đà Nẵng. Trong khuôn khổ LHP lần thứ XX, một hoạt động mang tính nghề nghiệp chuyên sâu là Hội thảo “Con đường đưa điện ảnh ASEAN ra thế giới”.

Một cộng đồng với sự đa dạng về sắc dân, sự phong phú về văn hóa, sự hấp dẫn cùng vẻ đẹp của cảnh quan, ASEAN đang là nơi hội tụ những thế mạnh để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp sản xuất và phát hành phim ra thế giới. Với sự tham gia của nhiều chuyên gia tổ chức LHP quốc tế; nhiều nhà sản xuất phim có kinh nghiệm, uy tín, lãnh đạo Quỹ phim ASEAN, các đạo diễn, nhà sản xuất phim ASEAN, hội thảo đã gợi mở hướng đi và cơ hội cho các nhà làm phim Việt Nam nói chung và các quốc gia trong cộng đồng ASEAN nói chung hội nhập quốc tế.

Các chuyên gia điện ảnh châu Á và quốc tế cũng đánh giá cao sáng kiến và tổ chức Giải thưởng thưởng Phim ASEAN (Film ASEAN Awards) của Việt Nam. Đây cũng là nét mới của LHP Việt Nam lần thứ XX.

Nếu như nói rằng LHP Việt Nam lần thứ XX là bữa tiệc thịnh soạn của điện ảnh Việt Nam thì bữa tiệc ấy có gì đó chưa thể trọn vẹn trong cái nhìn về tương lai của thể loại phim truyện. 65 năm nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã quá quen thuộc với những phim Nhà nước sản xuất. Nhưng tại kỳ LHP này, ở thể loại phim truyện nhựa thì phim Nhà nước hoàn toàn vắng bóng.

Hãng phim Giải phóng sau khi được cổ phần hóa và mặc dù Nhà nước vẫn là cổ đông chính nhưng năm nay không có phim nào dự thi. Điều này càng tạo nên sự lo lắng cho khán giả yêu điện ảnh trước việc Hãng phim truyện Việt Nam đang cổ phần hóa.

16 bộ phim truyện điện ảnh dự thi tại LHP lần này gồm: Vẽ đường cho yêu chạy, Bạn gái tôi là sếp, Bao giờ có yêu nhau, Cha cõng con, Cho em gần anh thêm chút nữa, Chờ em đến ngày mai, Cô Ba Sài Gòn, Cô gái đến từ hôm qua, Cô hầu gái, Đảo của dân ngụ cư, Em chưa 18, Hot boy nổi loạn 2, Nắng, Sắc đẹp ngàn cân, Sài Gòn anh yêu em và Sứ mệnh trái tim; đều là những phim được sản xuất bởi các đơn vị tư nhân.

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh- trưởng ban giám khảo hạng mục Phim truyện thì các phim dự thi tại LHP Việt Nam lần thứ XX phần lớn là phim giải trí, đề cập tới giới trẻ, phục vụ cho đối tượng thanh niên mới lớn. Dù đạo diễn Đặng Nhật Minh tỏ ra hài lòng bởi không có phim hài kiểu “mỳ ăn liền” trong LHP Việt Nam lần thứ XX thì khán giả xem phim vẫn cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó bền vững cho thể loại phim truyện do tư nhân sản xuất. Bởi vì tiêu chí và mục tiêu của họ vẫn là doanh thu. Còn mục tiêu nghệ thuật vẫn là cái đích xa vời.

Không thể so sánh những phim kinh điển, vang bóng, khó phai mờ trong ký ức khán giả như “Cánh đồng hoang”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” với những phim do tư nhân sản xuất trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày hôm nay, nhưng người yêu điện ảnh vẫn chưa nhìn thấy sự bền vững của tương lai phim truyện nước nhà – ngay cả khi xem những phim truyện đoạt giải cao tại LHP lần này.

Dù có những phim chiếu tại các rạp trên cả nước đạt doanh thu cao tới gần 170 tỷ đồng như phim đoạt giải Bông sen vàng như “Em chưa 18”, nhưng khán giả vẫn có cảm giác thiếu vắng các yếu tố khẳng định thương hiệu, mang dấu ấn điện ảnh Việt Nam như trước đây từng được xem các phim truyện do Nhà nước sản xuất. Không thể đòi hỏi các nhà làm phim tư đặt mục tiêu nghệ thuật lên trên hết bởi họ phải đối mặt với thị trường khốc liệt nhưng khán giả cũng khó chấp nhận những cảnh quay đã quá nhàm chán trong các phim dài tập sản xuất ở nước ngoài.

Nhà biên kịch điện ảnh Đinh Thiên Phúc hoàn toàn có lý khi cho rằng phim do nhà nước hay tư nhân sản xuất chỉ thành công khi chạm được vào trái tim khán giả. Nhà làm phim tư nhân cũng có thể đi đến tận cùng sáng tạo - một khi họ vượt qua được những áp lực của kinh tế thị trường, của cạnh tranh và đào thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều trăn trở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO