Cú hích tinh giản bộ máy

Nguyên Khánh 10/07/2018 10:00

Một dự thảo nghị quyết khuyến khích cán bộ, công chức nghỉ hưu sớm để nhận mức hỗ trợ khá cao: 200 triệu đồng của Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cùng đó, một vài địa phương cũng đưa ra giải pháp tương tự. Nó thu hút bởi, nếu khuyến khích người ta nghỉ thì số tiền lớn đó sẽ lấy nguồn từ đâu? Và liệu giải pháp này có giúp biên chế giảm thực sự, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ?

Vì sao Đà Nẵng và một số địa phương lại đưa ra đề xuất giảm biên chế bằng hình thức hỗ trợ bằng tiền có lẽ không chỉ là bởi phải thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế dù đã thể hiện quyết tâm cao độ nhưng rút cục số biên chế đã được giảm rất ít ỏi.

Mà còn do thực tế cho thấy bộ máy đang tồn tại không ít người thiếu năng lực vẫn tại vị, choán chỗ của người khác, khiến công việc bị đình trệ, kém hiệu quả.

Trong khi đó, thời hạn đến năm 2021, cả nước sẽ giảm hàng trăm ngàn biên chế sắp đến hạn. Thế nên, phải có giải pháp mang tính đột phá tạo cú hích cho công cuộc tinh giản biên chế chúng ta đang làm.

Phải giảm biên chế, nhưng không thể cứ hô hào mà phải có giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương này.

Theo đó, giải pháp khuyến khích người ta về hưu sớm “nhường” ghế cho người trẻ cũng là một giải pháp.

Việc Đà Nẵng đưa ra chính sách hỗ trợ cho các cán bộ “ngấp nghé” tuổi nghỉ hưu, nghỉ hưu sớm, khoan hẵng nói về tính hợp lý và khả thi của nó, là điều đáng trân trọng, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người có trách nhiệm, nên được ủng hộ.

Cái gì mới chẳng gặp cản trở, khó khăn và những gì mà Đà Nẵng và một số địa phương khác dự kiến đưa ra hẳn không phải là suy nghĩ “bồng bột” nhất thời, mà chắc chắn đã được tranh luận và cân nhắc kỹ trên nhiều phương diện.

Bình luận về dự kiến của Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Lượng (phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế, Bộ Nội) vụ cho biết, Bộ này luôn ủng hộ các địa phương chủ động hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ trước tuổi, đảm bảo theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Bộ Nội vụ ủng hộ chủ trương này nhằm tạo điều kiện cho địa phương sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế theo nghị quyết của Trung ương…

Ủng hộ về mặt chủ trương nhưng cách làm cụ thể thì không đơn giản, bởi, khó nhất vẫn là lấy nguồn từ đâu để trả cho những người nghỉ hưu sớm kia, đấy là chuyện đáng phải bàn.

Theo ý kiến của Bộ Nội vụ, “cách làm cụ thể thế nào sẽ phải phụ thuộc vào ngân sách địa phương, do HĐND quyết dựa trên việc tuân thủ đúng quy định của pháp”.

Còn Bộ Tài chính cũng nhận định, “định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên do Thủ tướng ban hành, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trình Quốc hội hỗ trợ cho các địa phương theo khả năng cân đối của ngân sách Trung ương trong trường hợp có phát sinh nhiệm vụ đặc biệt về an ninh, quốc phòng.

Vì vậy, sẽ không có khả năng ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách TP Đà Nẵng trong việc hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi”. Như vậy, Đà Nẵng sẽ phải cân đối ngân sách nếu quyết tâm thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên, ngay cả không sử dụng ngân sách Trung ương mà lấy nguồn từ địa phương, thì đó cũng vẫn là tiền từ ngân sách, tiền lấy từ sự đóng góp của nhân dân thì chi tiêu phải có luật chứ không thể tùy tiện được.

Đừng vì nôn nóng giảm biên chế để ban hành một chính sách mà người ta có thể trục lợi, khiến tổn hao ngân sách mà chưa chắc đã giảm đúng đối tượng.

Ngoài vấn đề lấy nguồn từ đâu còn rất nhiều khúc mắc nữa cần lý giải rõ. Đó là, liệu chính sách này có bị lợi dụng để “đẩy” những người không ưa khỏi ghế, để đưa “cánh hẩu” vào ngồi?

Việc nghỉ hưu sớm như dự định là hoàn toàn tự nguyện chứ không bắt buộc. Như vậy, căn cứ vào đâu để tin rằng sẽ có những cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo quản lý sẵn sàng nhường ghế cho lớp trẻ. Bởi, thực tế thì không ít trường hợp tìm mọi cách “bám ghế”.

Rõ nhất là việc nhiều người tìm cách khai gian, giảm tuổi để được ở lại thêm mấy năm nữa, thì đòi hỏi sự tự nguyện của người ta là rất khó.

Có một thực tế đáng buồn nữa đó là, “cái ghế” thể hiện chức quyền, mà đã có chức có quyền thì có lợi. Nhất là trong trường hợp những vị trí công tác đó lại nhiều màu mỡ.

Đã ngồi lên đó là lợi lộc đến ào ào. Như vậy, số tiền kiếm được ngoài lương cũng lớn hơn, thậm chí gấp nhiều lần số tiền 200 triệu đồng, mà lại tránh khỏi cái tiếng là vì bất tài nên phải nghỉ sớm. Vậy, liệu có ai vui lòng nhường ghế lấy số tiền 200 triệu đồng ít ỏi?

Xã hội rất bức xúc vì nền công vụ đang tồn tại những nghịch lý đáng báo động: Thừa những kẻ lười biếng, thiếu năng lực, ỷ lại nhưng lại rất thiếu những cán bộ, công chức có năng lực, có tâm, có niềm say mê, tận tụy với công việc.

Số làm được việc chủ yếu thuộc diện “con dân, cháu dân”, không có “ô dù”, không có chỗ “dựa lưng”.

Theo đó, giảm biên chế phải giảm đúng đối tượng để nền công vụ gọn mà tinh, qua đó nâng cao chất lượng cán bộ giúp cho đất nước phát triển. Như vậy, công cuộc tinh giản biên chế mới có ý nghĩa.

Phải giảm biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ. Khuyến khích hỗ trợ bằng tiền cũng là một ý tưởng, nhưng để thực hiện ý tưởng này vẫn phải tính toán tới cùng cái được, cái mất.

Phải có tiêu chí hẳn hoi, nếu không, e rằng có nhiều người giỏi thực sự nhân chính sách này xin ra ngoài để làm cho tư nhân, vừa có thu nhập cao, lại vừa được nhận hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ.

Còn “một bộ phận không nhỏ” thì cứ bám trụ ở cơ quan nhà nước, bám mãi vào chức quyền. Như vậy, hậu quả là chúng ta vừa mất một khoản tiền lớn mà chưa chắc chất lượng của đội ngũ cán bộ đã được nâng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cú hích tinh giản bộ máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO