Củng cố niềm tin

Dương Thanh Tùng 19/04/2018 08:30

Ngày 17/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an thực hiện các biện pháp tố tụng đối với một Trung tướng của Bộ Công an và 5 cán bộ lãnh đạo TP Đà Nẵng, trong đó có 2 vị nguyên là Chủ tịch UBNDTP này qua các thời kỳ.

Củng cố niềm tin

Nhà của nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ở số 2 đường Ba Đình bị cơ quan CSĐT Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét vào sáng 18/4. Ảnh: Thanh Tùng.

Nhiều bậc lão thành của Đà Nẵng đã nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào ngày 22/1/2018: “Công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, bền bỉ, kiên trì, hiệu quả hơn, có như vậy, mới củng cố được niềm tin trong nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ”.

Đêm 17 và sáng 18/4, khi thông tin khởi tố, bắt tạm giam đối với nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh được công bố và nhà riêng ông này ở số 25/10 đường Lý Thường Kiệt, phường Thạch Thang, quận Hải Châu bị công an khám xét; người dân và cán bộ hưu trí sinh sống tại đây cho biết họ chờ đợi việc này từ lâu.

Sáng 18/4 cũng không có đông người dân tụ tập chứng kiến công an khám xét nhà riêng nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ở số 2 đường Ba Đình, phường Thạch Thang, quận Hải Châu bởi theo họ, việc này không sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra. Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện biện pháp tố tụng đối với 2 vị từng là người đứng đầu UBND TP Đà Nẵng được người dân và cán bộ hưu trí Đà Nẵng cho rằng hết sức cần thiết để duy trì kỷ cương, phép nước.

Cùng bị cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố với 2 nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng còn cố ông Nguyễn Điểu, ông Trần Văn Toán (nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) cùng ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng.

Ngoài ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến ở cương vị Chủ tịch UBND TP bị khởi tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015); các cán bộ nói trên cùng bị cơ quan CSĐT khởi tố do “vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai” (quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Có thể nói việc cùng lúc 5 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng bị khởi tố do “vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai”, đã không làm cho người dân Đà Nẵng phải bất ngờ bởi họ là những người giám sát chặt chẽ quá trình thao túng, phù phép đất đai của các cán bộ này dưới bàn tay của Phan Văn Anh Vũ hay còn gọi là “Vũ nhôm” .

Từ đầu năm 2017, khi sự khuất tất của hàng loạt dự án (DA) đất đai, nhà công sản ở Đà Nẵng lần lượt được phơi bày ra ánh sáng, cũng là lúc tên tuổi đại gia “Vũ nhôm” trở nên đình đám hơn bao giờ hết. Người Đà Nẵng biết đến “Vũ nhôm” bởi sự giàu có phô trương nhưng ít ai dám nghĩ đến con số vài trăm tỷ đồng mà đại gia này thu về từ việc chuyển nhựơng sang tay các DA.

Năm 2016, UBND TP Đà Nẵng chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất ở đường Phạm Văn Đồng với giá 84 tỷ đồng cho 2 cá nhân để làm DA. Năm 2008, khu đất này được ủy quyền sang nhượng lại cho 1 cá nhân khác với giá 581 tỷ đồng, hưởng chênh lệch gần 500 tỷ đồng. Năm 2009 khu đất DA nói trên lại tiếp tục được sang tay cho một doanh nghiệp tư nhân với giá 585 tỷ đồng.

Năm 2007 một khu đất trên tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc được TP Đà Nẵng chuyển nhượng quyền sử dụng cho doanh nghiệp tư nhân làm DA với giá 65 tỉ đồng. Năm 2010, doanh nghiệp này sang tay khu đất DA nói trên cho một doanh nghiệp khác với giá 285 tỷ đồng, hưởng chênh lệch 220 tỷ đồng.

Gần 30 ha đất thuộc DA sân gôn Đa Phước cũng được TP Đà Nẵng chuyển nhượng quyền sử dụng với giá ưu đãi cho doanh nghiệp làm thiệt hại cho ngân sách trên 570 tỷ đồng. Không chỉ các DA đất đai; từ năm 2006, TP Đà Nẵng đã thanh lý hầu hết trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp để di chuyển đến làm việc tại khối nhà Trung tâm hành chính TP ở số 24 đường Trần Phú, quận Hải Châu.

Việc thanh lý hàng loạt trụ sở cơ quan Nhà nước cho doanh nghiệp và tư nhân của TP Đà Nẵng không chỉ khiến dư luận bất bình, dị nghị mà còn được giới phân tích nhìn nhận đã làm thất thoát tài sản nhà nước, tạo ra những xáo trộn không đáng có đối với hoạt động hành chính công ở TP Đà Nẵng.

Quá trình chuyển nhượng, sang tay các DA, thâu tóm nhà công sản của “Vũ nhôm” được cơ quan điều tra xác định, có sự tiếp tay, liên đới của lãnh đạo chính quyền cao nhất ở Đà Nẵng. Liên quan đến vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “trốn thuế”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của “Vũ nhôm”, ngày 17/4/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã thực hiện khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Hữu Tuấn nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 5 Bộ Công an về hành vi “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” (quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Việc khởi tố, thực hiện bắt tạm giam ông Phan Hữu Tuấn, đã giải tỏa mối nghi ngờ của dư luận về “thế lực” đứng sau “Vũ nhôm” thao túng, phù phép đất đai công sản ở Đà Nẵng và ở một số địa phương khác.

Ông Trần Văn Minh là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2006 - 2011). Ông Văn Hữu Chiến là Chủ tịch UBND TP (2011-2014). Trong số 9 DA đất đai, 31 công sản ở Đà Nẵng từ năm 2004 đến năm 2016 đang được điều tra, có 26 DA đất đai, công sản thuộc nhiệm kỳ Chủ tịch của ông Trần Văn Minh, 5 DA, công sản thuộc nhiệm kỳ Chủ tịch của ông Văn Hữu Chiến. Ông Minh, ông Chiến đã ký các quyết định chuyển quyền sử dụng đất, nhà công sản theo hướng có lợi cho “Vũ nhôm”, thiệt hại cho Nhà nước.

Việc 2 vị nguyên là lãnh đạo cao nhất của chính quyền TP Đà Nẵng bị khởi tố, đã củng cố thêm niềm tin của người dân đối với cuộc đấu tranh không khoan nhượng của Đảng, Nhà nước chống tham nhũng nhằm loại khỏi hệ thống công quyền những cán bộ không trong sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Củng cố niềm tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO