Đặt hàng các nhà khoa học

Cẩm Anh 29/12/2016 00:05

Trong cuộc gặp gỡ với 2 Viện Hàn lâm mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã rất thẳng thắn chỉ ra: “Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu mà không để ý đến những nhu cầu ứng dụng đơn giản của thực tế để rồi doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho nước ngoài mà những vấn đề đó không phải ta không giải quyết được”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh với các nhà khoa học. Ảnh: VGP.

Phải nói cho công bằng, Việt Nam nói chung và tại 2 Viện Hàn lâm nói riêng đang có một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học, trong số ấy có rất nhiều nhà khoa học đáng trân trọng, các học giả xuất sắc, các giáo sư, tiến sĩ giỏi. Và những nghiên cứu khoa học cơ bản, tuy có vẻ như không liên quan trực tiếp đến đời sống, nhưng là cần thiết đối với hoạt động khoa học và để phát triển một nền khoa học. Cũng như mọi nền khoa học trên thế giới, những đề tài nghiên cứu “cao siêu” vẫn được các nhà khoa học đổ công thực hiện, không phải là vô ích.

Cũng phải công nhận, trong một số lĩnh vực Việt Nam đã có ngày càng nhiều hơn các nhà khoa học, các công trình khoa học ở tầm cỡ thế giới. Hoạt động khoa học của 2 Viện Hàn lâm đã ngày càng mở rộng hợp tác, có nhiều công trình, bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế.

Hoạt động khoa học hướng vào giải quyết nhiều vấn đề thiết thực của đất nước như nghiên cứu về thể chế kinh tế, về Biển Đông hay nghiên cứu giải quyết vấn đề Formosa… cũng đã ngày càng nhiều hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đã thực hiện 1.070 hợp đồng KHCN với kinh phí trên 233 tỷ đồng, trong đó gần 850 hợp đồng là đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Viện đã có 9 công nghệ được chuyển giao vào sản xuất và đời sống. Mặc dù số lượng chưa lớn nhưng cũng đã thể hiện được sự chuyển hướng tích cực của các nhà khoa học trong việc tìm kiếm các nguồn kinh phí hoạt động ngoài ngân sách, đi vào các nghiên cứu khoa học thiết thực với đời sống hơn…

Nhưng như Thủ tướng đặt vấn đề, các nhà sản xuất đứng trước các vấn đề liên quan đến công nghệ, cải tiến thiết bị, cải tiến quản lý chủ yếu là tìm đến các nhà sản xuất và đơn vị tư vấn nước ngoài. Đó là một thực tế buồn.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề nghiên cứu khoa học phải mang tính thực tiễn được đặt ra. Đã từ rất lâu rồi, chúng ta đã nhận ra mỗi năm Nhà nước vẫn phải chi nhiều khoản rất lớn cho nghiên cứu khoa học nhưng ít mang lại hiệu quả thực tế. Vẫn tồn tại tình trạng đề tài nghiên cứu được thực hiện dường như chỉ để báo cáo trong các hội thảo lớn nhỏ rồi xếp vào ngăn kéo hồ sơ lưu trữ.

Rõ ràng không thể đổ lỗi cho sự thiếu kinh phí thực hiện. Chỉ cần đưa ra một ví dụ: Theo dự toán năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội được cấp đến 615 tỷ đồng để chi thường xuyên. Thật khó để so sánh với kinh phí hoạt động của các nhà khoa học nước ngoài. Nhưng “trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, đối diện hàng loạt vấn đề nan giải như nợ công, nợ xấu, thâm hụt ngân sách, cơ sở hạ tầng, giáo dục, các điều kiện y tế cho người dân, xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc… tất cả đều đang rất cần vốn” thì Chính phủ vẫn dành một phần ngân sách không nhỏ như vậy cho một Viện Hàn lâm.

Từ lâu, trong giới khoa học vẫn truyền miệng một câu ca dao: “Giàu nhất là nhận đề tài/ Thứ nhì mới đến nước ngoài đi buôn” để nói về những bất cập trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học từ vốn ngân sách nhà nước.

Đã có nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều hội thảo rầm rộ nhằm tìm ra giải pháp cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Nhưng không ít trong số ấy chỉ mang tính hình thức, thiếu tính thực tiễn. Ngay trong giới khoa học, vẫn tồn tại hiện tượng người có trình độ thì không được giao đề tài, người không có chuyên môn thì được tài trợ… Lãng phí chất xám là một vấn đề nhưng còn có cả chuyện lãng phí tiền bạc đầu tư vào chất xám mà không có hiệu quả.

Cho nên “đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, các nhà kỹ thuật của chúng ta đông đảo, song các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn” như Thủ tướng đã nói.

Trong khi đời sống xã hội đang đặt ra rất nhiều vấn đề ngổn ngang, nảy sinh những xu thế mới về văn hóa, đạo đức, lối sống, vấn đề khoảng cách giàu nghèo, vấn đề gia đình Việt Nam trong cơ chế thị trường, vấn đề nông thôn, bệnh tật phát sinh, thực phẩm, ô nhiễm môi trường … nhưng khoa học dường như vẫn mải mê ở đâu đó.

Như Thủ tướng đã chỉ ra: Nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải kịp thời nắm bắt nhịp thời sự cuộc sống của xã hội, đồng thời đầu tư thỏa đáng để các số liệu dự báo có độ tin cậy cao, có tư vấn đúng và trúng trọng tâm về các chính sách quản lý cũng như các quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.

Nghiên cứu khoa học cơ bản là cần thiết, nhưng song song với những đề tài cao siêu, cần đặt ra gay gắt hơn nữa việc cần thiết phải chuyển hướng nghiên cứu vào những đề tài gắn bó thiết thực với cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Đã đến lúc cần một cơ chế mới trong nghiên cứu khoa học, để không lãng phí tiền bạc và nguồn nhân lực. Tinh gọn bộ máy, áp dụng phương thức quản lý phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài, sáng tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính thực tiễn ứng dụng cao, phục vụ xã hội…

Thật khó có thể làm khoa học tốt nếu những “tầng nấc hành chính cản trở sự phát triển”, khi mà điều cần thiết ở những cơ quan khoa học là một bộ máy tổ chức cần khoa học để phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Và quan trọng nhất là cần cơ chế khác trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu.

Thủ tướng đã đặt hàng 5 đề tài nghiên cứu cho mỗi Viện Hàn lâm. Đây đều là những đề tài lớn, những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn đất nước hôm nay. Đây có thể coi như bước khởi đầu, để thực hiện cơ chế “đặt hàng” và “đấu thầu” đề tài nghiên cứu khoa học. Chỉ thực hiện những đề tài để giải quyết những vấn đề thực tiễn và chỉ giao cho những người đủ trí tuệ, năng lực và phẩm chất để thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặt hàng các nhà khoa học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO