Đầu vào, đầu ra

Cẩm Anh 26/07/2019 07:40

Xét đầu vào theo học bạ, hoặc lấy điểm chuẩn đầu vào ở ngưỡng rất thấp - Câu chuyện vơ bèo gạt tép của nhiều trường đại học, cao đẳng vào cuối mùa tuyển sinh để có sinh viên vào trường vẫn đang tiếp tục dấy lên lo ngại về chất lượng đào tạo. Dành quyền tự chủ cho các trường là một chủ trương đúng nhưng đi kèm theo phải là việc giám sát được chất lượng hoạt động của từng trường.

Trước hết phải khẳng định rằng để có được những bước tiến trong thi cử, tuyển sinh như hiện nay là cả một quá trình đổi mới lâu dài. Từ chỗ bỏ bớt được một kỳ thi đến nay vai trò tự chủ của các trường đại học, cao đẳng đã ngày càng được nâng cao. Còn nhớ rằng khi cả một gánh nặng vừa về tiền bạc vừa về tâm lý cho cả xã hội, chúng ta đã tiến tới một kỳ thi quốc gia chung như hiện nay.

GS Hoàng Tụy khi ấy trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết cho rằng ông rất mừng khi bỏ được một kỳ thi nhưng đồng thời ông cũng cho rằng không cần gộp 2 kỳ thi làm một mà chỉ cần xét tốt nghiệp THPT, còn việc tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thì giao quyền cho từng trường. Cách làm này hoàn toàn giống với nhiều nước trên thế giới. Người nào muốn thi vào đại học nào thì nộp hồ sơ vào đại học ấy.

"Trường đại học xem xét hồ sơ rồi người ta gọi kiểm tra thêm hoặc thi kiểm tra một hai môn. Như vậy là đại học nào làm cái việc tuyển sinh của đại học ấy. Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không việc gì phải can thiệp vào những việc ấy cả. Như thế tức là không thi tốt nghiệp phổ thông, mà thi tuyển đại học cũng không thi, chỉ có sơ tuyển. Ở Mỹ người ta làm như thế, ở nhiều nước người ta làm như thế, đó là những nước người ta tuyển đại học. Chứ còn nhiều nước khác ở bên châu Âu, anh nào muốn vào đại học thì cứ vào thôi, người ta không hạn chế” - chúng tôi vẫn còn nhớ như in GS Hoàng Tụy đã nêu ý kiến như vậy.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, việc giao quyền tuyển sinh cho các trường có dễ dẫn đến sự chênh lệch lớn hơn ở đầu vào, có trường yêu cầu rất cao mới trúng tuyển, có trường chỉ cần ghi danh, GS Hoàng Tụy cho rằng: “Các trường đại học phải có trách nhiệm với thương hiệu của họ. Trường nào tuyển người kém vào thì họ phải chịu hậu quả”…

Nhắc lại một câu chuyện từ cách đây cả mười mấy năm để thấy vấn đề của giáo dục Việt Nam dù đã có những bước đổi mới nhưng vẫn chưa thực sự giải quyết được một cách căn cơ. Có những tồn tại từ bao năm qua vẫn còn nguyên đấy.

Vì sao ở nhiều nước, câu chuyện ghi danh để vào đại học không hề gây băn khoăn cho xã hội, trong khi ở ta, việc lấy ngưỡng điểm chuẩn mỗi môn 3, 4 điểm cũng được vào học đại học lại trở thành vấn đề? Đó là bởi chất lượng đầu ra thực sự khiến cho xã hội không thể nào yên tâm được. Có thể chỉ cần ghi danh để vào trường đại học, nhưng các kỳ sát hạch sau đó để đến bước tốt nghiệp được đại học lại là câu chuyện khác. Không phải cứ ghi danh thì sẽ nghiễm nhiên tốt nghiệp đại học, đó là đối với các trường đại học ở nước ngoài, còn ở Việt Nam, sở dĩ chúng ta đang phải lo ngại là bởi vì hầu như đã vào được trường là sẽ tốt nghiệp.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa có hiệu lực, việc phân biệt bằng cấp cũng đã được xóa bỏ, quyền tự chủ của các trường được mở rộng. Đó là bước đổi mới đáng ghi nhận. Nhưng cùng với tự chủ xác định phương thức tuyển sinh, tự chủ tham gia hệ thống xét tuyển thì điều sống còn đối với mỗi nhà trường là ngày càng phải nâng cao chất lượng nhà trường.

Bỏ đi nhiều hơn nữa những áp lực thi cử, những kỳ thi vừa tốn kém cho nhân dân, cho Nhà nước, cho xã hội (chỉ nguyên việc đảm bảo cho các kỳ thi an toàn không có gian lận cũng đã vừa tốn kém vừa vất vả và đau xót cho cả xã hội), giao thêm quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường. Hướng đi này hoàn toàn là hướng đi quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Nhưng đồng thời lại phải có những cách nào đó để việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng vừa trở lên nhẹ nhàng vừa đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Tuy nhiên việc nâng cao chất lượng của các trường không phải chỉ là việc nói là có thể làm được. Việc xây dựng chiến lược phát triển của mỗi trường đại học, cao đẳng được hình dung ở các tiêu chí mà việc đầu tiên là chú trọng chất lượng đầu vào; tăng cường quản lý chất lượng trong quá trình đào tạo; đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra; cũng như việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Qua đó vừa thể hiện tầm nhìn, chiến lược phát triển của mỗi trường vừa là tiêu chí để xã hội căn cứ đánh giá vị trí, uy tín của trường trong hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, nói là vậy mà không phải nơi nào cũng làm được nhất là khi chỉ cần đặt lợi nhuận lên trên hết, miễn là tuyển sinh được, tiêu chí về chất lượng sẽ bị đưa xuống hàng thứ yếu.

Nhưng trong câu chuyện này cũng phải nói ở góc độ quản lý, không phải chỉ là việc mở trường tràn lan, mà cả ở chỗ có nên tiếp tục cho một số cơ sở đào tạo mà chất lượng rất thấp tiếp tục hoạt động, tuyển sinh hay không? Nguồn lực xã hội có nên lãng phí vào những việc chỉ để có tấm bằng một cách rất hình thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu vào, đầu ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO