Để dân Việt Nam không phải mất ngoại tệ đi Tây chữa bệnh

Ngọc Kha 08/09/2015 08:25

Có lẽ cần có sự đầu tư hơn nữa, tổ chức sắp xếp lại thế nào để đủ điều kiện tốt chữa bệnh, để người dân không còn có ấn tượng không tốt về ngành y, để chẳng những ngoại tệ không chảy đi mà còn có thể hút về.

4 ca ghép tạng thành công trong cùng 1 ngày cùng được lấy từ tạng một người chết não được người nhà hiến tặng không phải là thành tựu y học duy nhất ở Việt Nam. Trong nhiều năm qua, ngành ngoại khoa Việt Nam và nhiều ngành y học khác đã đạt tới trình độ mà thế giới cũng phải kính nể. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, bệnh viện ở Việt Nam lại chưa phải là nơi để bệnh nhân an tâm, tin cậy.

Người nghèo đến viện thì khổ sở vì các thủ tục, chờ đợi mệt mỏi, nằm viện chen chúc, thái độ hách dịch, thờ ơ. Người giàu thì tốn ngoại tệ ra nước ngoài chữa bệnh. Làm thế nào tổ chức, sắp xếp lại để với trình độ của các y bác sĩ Việt Nam không chỉ dư sức đảm bảo sức khoẻ cho người Việt Nam mà còn là nơi để thu hút người nước ngoài tới chữa bệnh?

Các ca ghép tạng lần này có đặc biệt là bên cho tạng sau chết não tại TP Hồ Chí Minh và bên nhận tạng tại Hà Nội cách nhau hơn 1.700 cây số. Vậy nhưng không quản ngại đường xá xa xôi, khó khăn, vất vả, các chuyên gia y tế, những nhà phẫu thuật điêu luyện của BV Việt Đức và BV Chợ Rẫy đã bay ra bay vào, thức trắng đêm tiến hành các động tác phẫu thuật thần kỳ, đem lại sự sống cho 4 con người mắc bệnh vô cùng hiểm nghèo là suy thận, suy tim, suy gan.

Trong gần chục năm qua, có đến hàng chục, hàng trăm người bị hỏng thận, gan, tim đến mức không hồi phục được đã và đang được ghép tạng như vậy. BV Việt Đức từ thời Giáo sư Tôn Thất Tùng gây dựng đã đứng hàng đầu cả nước về ngoại khoa trở thành một niềm tự hào của nền y học nước nhà. BV Chợ Rẫy cũng vậy đã lập bao kỳ tích cứu sống con người trong gang tấc. Nói rộng ra trong cả ngành y nước ta, các thầy thuốc Việt Nam đang tự khẳng định được những thành tựu mà các bác sĩ nước ngoài phải nể phục.

Ngay tại cuộc họp báo sáng qua (7/9), PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức cho hay: Không tuần nào BV này không nhận được những ca bệnh được chuyển về từ các chuyến đi điều trị dài ngày ở nước ngoài – toàn ở những nước được cho là có nền y học tiên tiến nhất trên thế giới. Và, khi vào đây, họ mới vỡ lẽ một điều: Họ đã bỏ lỡ cơ hội này ngay từ đầu khi lâm bệnh, để rồi nay hối tiếc vì tốn kém bao nhiêu tiền của mang thân bệnh tật đi cầu cứu xứ người.

“Thực tế, về mặt lâm sàng, ngành y nước ta không hề thua kém các nước trên thế giới. Một năm, một GS.TS như anh Trịnh Hồng Sơn mà hành nghề ở nước ngoài có khi chỉ được cầm dao mổ khoảng 50 ca, nhưng ở ta, một năm anh đã đứng hơn 200 ca. Và vì thế, cơ hội được trau dồi “tay nghề” của anh có nhiều hơn các bác sĩ nước ngoài. Mặc dù điều kiện cận lâm sàng cũng như trang thiết bị máy móc y tế ở ta còn hạn chế nhưng đó chỉ là những điều kiện phụ. Chữa bệnh phải căn cứ chủ yếu ở lâm sàng” - PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định.

Chính ông cũng là một trong những bàn tay vàng về lâm sàng khi đã có hàng chục ca ghép gan thành công từ đó. Chi phí cho chúng, theo ông Quyết, chỉ ở vào khoảng 500-700 triệu đồng, trong khi cũng ghép gan, ở các nước ngoài như Mỹ, Singapore…, số này có khi lên đến 5-6 tỷ đồng quy đổi theo tiền Việt Nam.

Đó đích thị là cơ hội vàng - đúng vậy! Thế nhưng, cả hội trường số 2 BV Việt Đức phải lặng đi khi chính PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết công bố: Tiền bồi dưỡng cho một ca đặc biệt như ca ghép gan diễn ra hôm ấy (5/9) chỉ vẻn vẹn trị giá 350.000 đồng/người(!!!). Vậy nhưng, GS.TS Trịnh Hồng Sơn trên suốt hai chặng đường bay đi lại bay về TP Hồ Chí Minh nhận tạng vẫn lo ngay ngáy lỡ không mang lại được cơ hội nào cho các bệnh nhân chờ ghép.

Tổ phẫu thuật của ông vẫn tranh thủ từng phút, từng giờ để giành giật sự sống cho bệnh nhân đến mức phải thay quần áo sau khi mổ, nhai bánh mỳ ngay ở xe ô tô trên đường ra phi trường Tân Sơn Nhất, cho kịp mang tạng về Hà Nội. Và ngay trong lúc họp báo trả lời phỏng vấn của các nhà báo về thành công của mình, họ vẫn chỉ nghĩ về bệnh nhân, cho bệnh nhân khi thỉnh cầu ngược lại với các nhà báo hãy đồng ý cho tạng sau khi chết não.

Và, khi được hỏi suy nghĩ về thực trạng đóng góp của nền y tế nước nhà trong những năm qua, tất cả những GS, PGS, TS, BS - những thầy thuốc thật đáng kính kia đều rất lấy làm tiếc. Có lẽ cần có sự đầu tư hơn nữa, tổ chức sắp xếp lại thế nào để đủ điều kiện tốt chữa bệnh, để người dân không còn có ấn tượng không tốt về ngành y, để chẳng những ngoại tệ không chảy đi mà còn có thể hút về.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để dân Việt Nam không phải mất ngoại tệ đi Tây chữa bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO