Để nông sản hội nhập bền vững

Minh Phương 24/12/2019 06:00

Có thể khẳng định, năm 2019 đã giảm thiểu tình trạng ùn ứ nông sản qua cửa khẩu cho thấy những nỗ lực từ phía nhà quản lý và cộng đồng DN. Tuy nhiên, dịp cuối năm, thời điểm thu hoạch nhiều loại trái cây nên tình trạng ứ đọng nông sản vẫn xảy ra tại khu vực biên giới, gây ra nhiều thiệt hại cho DN xuất khẩu cũng như bà con nông dân.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nói trên là do lượng nông sản, trái cây khi vào chính vụ thu hoạch để xuất khẩu được đưa lên khu vực cửa khẩu tăng đột biến tại cùng một thời điểm, trong khi phía Trung Quốc cũng trùng thời điểm chính vụ thu hoạch với Việt Nam, và tất yếu dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cũng sụt giảm. Bên cạnh đó, năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu hai nước Việt Nam - Trung Quốc, mặc dù đã được cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng còn rất hạn chế so với nhu cầu xuất khẩu...

Tồn ứ nông sản tại cửa khẩu không còn là câu chuyện mới. Nhưng câu chuyện này đáng lưu tâm hơn khi phía bạn ngày càng siết chặt với hàng hóa nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Còn nhớ, hồi trung tuần tháng 10/2019, do phía bạn siết chặt việc kiểm tra về tiêu chuẩn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, hàng chục conteiner thanh long của nông dân Việt đã bị tắc nghẽn tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nhiều ngày liền. Thời điểm đó, cho dù các DN xuất khẩu của chúng ta đã đáp ứng được những yêu cầu về bao bì, xuất xứ mà phía đối tác đưa ra, nhưng DN đã phải mất rất nhiều thời gian và chi phí khi hàng trăm xe chở thanh long bị ứ lại tại cửa khẩu.

Việc Trung Quốc đưa ra hàng loạt những quy định khắt khe hơn để kiểm soát hàng nông sản nhập khẩu từ phía Việt Nam một lần nữa khẳng định, muốn chinh phục được thị trường này, các DN nhất định phải nâng cao sức cạnh tranh, hàng hóa nông sản phải tuân thủ các quy chuẩn khắt khe mà phía đối tác đưa ra. Đáp ứng được các quy chuẩn đó, nông sản Việt không chỉ chinh phục được thị trường Trung Quốc mà còn vươn được đến nhiều thị trường khác trên thế giới.

Tuy nhiên, thời gian qua, có một thực tế là, những thông tin về sản lượng, mùa vụ, cung cầu… của Trung Quốc đối với một số loại nông sản, trái cây mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất, xuất khẩu cũng như diễn biến thông quan tại cửa khẩu biên giới vào giai đoạn cao điểm đã được Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Cục Xuất nhập khẩu) và UBND các tỉnh biên giới (Lạng Sơn, Lào Cai…) đăng tải, công bố thường xuyên đến các cơ quan, tổ chức liên quan bằng nhiều hình thức, song các địa phương và DN vẫn chưa thực sự quan tâm, chưa chủ động nắm bắt thông tin khuyến cáo, dẫn đến tình trạng liên tiếp đưa hàng lên khu vực cửa khẩu biên giới trong cùng một thời điểm để xuất khẩu, gây ra tình trạng quá tải và ùn ứ. Điều này cho thấy, dường như chính các DN và chính quyền các địa phương vẫn còn khá thờ ơ với những thông tin mà đáng lẽ không ai khác, chính họ phải là những đối tượng cần quan tâm nhất.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, do phần lớn các sản phẩm nông sản vẫn sản xuất theo lối tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết cho nên các sản phẩm của người nông dân làm ra hầu hết không đạt được các tiêu chuẩn, quy định quốc tế. Nói đơn giản như việc, bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu để bảo vệ mùa màng… với liều lượng tùy ý, không theo một quy trình nào, thì sản phẩm bà con làm ra đã bị loại ngay từ khâu kiểm dịch. Càng hội nhập sâu rộng, các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về nguồn gốc xuất xứ càng khắt khe hơn. Do đó, muốn bước vào thị trường quốc tế, cho dù là thị trường Trung Quốc hay bất cứ thị trường nào, nông sản của Việt Nam nhất định phải đảm bảo được những quy chuẩn quốc tế.

Và để làm được điều này, nhất định chúng ta phải làm tốt khâu chế biến sau thu hoạch. Thế nhưng, với ngày nông sản Việt Nam, ai cũng hiểu rất rõ rằng, khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch lại chính là câu chuyện nan giải hơn cả. Theo đánh giá của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường là những khâu vô cùng quan trọng nhưng lại là điểm yếu nhất của ngành chế biến nông sản Việt Nam. Do kém về khâu này, nên nông sản Việt thường có tình trạng phải bán tống bán tháo khi mà thu hoạch quá nhiều. Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nhiều loại nông sản được coi là chủ lực của các địa phương… có giá trị xuất khẩu mỗi năm khoảng 2.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, thế nhưng lại thường xuyên rơi vào tình trạng phải “bán tống bán tháo” khi vào chính vụ. Như vậy, cuối cùng, cho dù chúng ta có nỗ lực đến đâu trong việc tìm đầu ra cho nông sản, kể cả việc toàn xã hội đồng lòng “giải cứu”, nếu như vẫn bị “tắc” ở khâu chế biến, bảo quản, chắc chắn mục tiêu hướng đến phát triển bền vững vẫn còn rất xa vời đối với ngành nông sản nước nhà.

Hàng loạt bài học về nông sản ùn tắc, giải cứu nông sản mà ngành nông nghiệp đã trải qua, đã đúc kết… Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có sự chung tay của nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp và nhà quản lý để không chỉ giải tỏa được tình trạng hàng hóa ứ đọng tại khu vực cửa khẩu mà còn đưa ngành nông sản nước nhà hội nhập một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để nông sản hội nhập bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO