Dẹp nạn 'cắp ô'

Lục Bình 27/04/2016 10:00

Thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã sắp xếp lại bộ phận văn phòng của ủy ban. Theo đó, giảm từ 12 phòng xuống còn 7 phòng. Sự thay đổi này đã thừa ra 27 phó phòng. Các phó phòng này không còn tham gia điều hành mà làm việc như chuyên viên, nhưng vẫn giữ nguyên chức vụ và hưởng nguyên lương phó phòng. Những động thái này đã tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau.

Ảnh minh họa.

Không ít người khen Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung là người “nói ít, làm nhiều”, dám nghĩ dám làm, không ngại va chạm, dám “xử” cán bộ ngay trong tổ chức của mình bằng việc cắt giảm tới 5 phòng, ban tại UBND TP. Thế là những “cái ô” tồn tại cho đẹp trong nền công vụ đã bước đầu bị tinh giản. 27 phó phòng sau khi sắp xếp lại đội ngũ mà chắc chắn sự tồn tại của họ chưa thực sự được việc trong nền công vụ mới bị “xử nghiêm” như vậy.

Tất nhiên, bước đầu, 27 phó phòng này làm việc của chuyên viên nhưng vẫn hưởng chế độ của phó phòng thì chưa giúp giảm bớt ngân sách của thành phố và mọi người mong rằng cần “thẳng tay” hơn để bộ máy được tinh giản. Nhưng dẫu vậy cũng phải thừa nhận đã có chuyển biến, tuy chưa giảm được lương nhưng cũng đã giảm được chức, giảm được một số kinh phí “khác” không nhỏ....

Hoan nghênh UBND TP Hà Nội trong thực hiện sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và đề nghị cần tiếp tục thực hiện, lan tỏa cách làm này ra toàn TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng: “Có những vấn đề đã nhìn thấy nhưng nhiều người ngại, không muốn nói ra. Tuy nhiên, với tinh thần quyết liệt sắp tới, tôi đề nghị tất cả cơ quan ban, ngành toàn TP thực hiện việc sắp xếp theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị để làm bộ máy tinh giản, gọn nhẹ, hiệu quả hơn. Từ đó, nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ công chức”.

Nhưng, có một luồng ý kiến khác lại cho rằng, việc làm này vẫn chỉ là giơ cao đánh khẽ. Bởi, Hà Nội nếu đã chủ động sắp xếp lại bộ phận văn phòng của ủy ban, giảm từ 12 phòng xuống còn 7 phòng để rồi thừa ra 27 phó phòng thì lẽ ra cần đưa họ làm những việc ở những vị trí phù hợp với năng lực hơn. Chẳng hạn, chuyên ngành kế toán thì trở về làm kế toán, chuyên ngành xây dựng thì trở về làm xây dựng và lương của họ cũng phải phù hợp và ngang bằng với năng lực và công việc thực tế.

Tại sao lại để họ ngồi (chơi, xơi nước) với cái mác chuyên viên, giữ nguyên chức vụ và hưởng nguyên lương phó phòng? Mục đích của việc sắp xếp lại lại bộ phận văn phòng của ủy ban là tiến tới hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chi ngân sách công. Nếu vẫn để hưởng nguyên lương phó phòng thì xem ra có phần vô lý. Bởi, một xã hội công bằng là xã hội làm theo năng lực và hưởng theo hiệu quả công việc. Không thể tồn tại việc lên chức rồi thì không thể xuống, cho dù năng lực thực sự không có, hiệu quả công việc rất thấp cùng như vị trí đó không còn cần thiết.

Như vậy, sự sắp xếp cán bộ ở Hà Nội vẫn khiến người ta nửa mừng nửa lo. Mừng vì đã có tín hiệu quyết liệt của người đứng đầu với những cái ô tồn tại cho đẹp trong nền công vụ, nhưng lo là vì cơ quan nào cũng “ngại va chạm”, sợ “nhạy cảm” vẫn tạo điều kiện cho những người ngồi sai vị trí hưởng lộc từ ngân sách. Một nỗi lo không nhỏ nữa là liệu chỉ có UBND TP Hà Nội sau khi sắp xếp lại thừa ra tới 27 phó phòng?

Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước nào cũng có động thái quyết liệt sắp xếp lại để tinh gọn bộ máy thì sẽ dư ra cả ngàn, chục ngàn người rảnh rỗi. Cứ tính một văn phòng ủy ban đã dư 27 phó phòng thì rõ. Người dân Hà Nội rất mong từ mô hình của UBND thành phố, tất cả các sở, ban, ngành của thủ đô cũng sắp xếp lại, loại ra số cán bộ công chức dư thừa; lên danh sách, số lượng công khai cho dân tỏ tường, từ đó việc làm này cũng sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi nhân rộng công cuộc dẹp nạn “cắp ô” thì việc tinh giản biên chế phải làm thực chất, trong đó có việc giao khoán quỹ lương cho đơn vị hành chính chủ động. Căn cứ vào quỹ lương khoán này người đứng đầu đơn vị phải tự sắp xếp trả lương cho từng cá nhân thế nào cho phù hợp với sức lao động họ bỏ ra.

Khoán lương đến tận cấp phòng, ban tùy theo nhiệm vụ, thẩm quyền lúc đó tự mỗi cá nhân sẽ tự đào thải nếu không đáp ứng được yêu cầu. Nếu vẫn trả lương theo hệ thống thang bảng lương như hiện nay, lại có sự nể nang trong đánh giá cán bộ, ngại va chạm… thì công cuộc tinh giản biên chế sẽ mãi giậm chân tại chỗ mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dẹp nạn 'cắp ô'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO