Di sản sách

Triết Giang 30/09/2015 08:35

Sáng qua 29/9, lần thứ hai một hội sách qui mô lớn được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội. Nếu như trước đó, năm 2014 Hội sách Hà Nội mang chủ đề Hà Nội- Thành phố Vì hòa bình, thì lần này Hội sách mang chủ đề Sách và Di sản. Trong mối tương quan giữa sách và di sản, sách được trưng bày trong không gian di sản Hoàng thành Thăng Long thì đã hẳn. Nhưng đi hội sách để kiếm tìm những cuốn sách quý hiếm, sách của một thời nay rất ít tái bản, đó cũng chính là một cách nâng niu di sản sách.&nbs

Bạn đọc với Hội chợ Sách và Di sản.

Dù Hà Nội và các thành phố lớn có nhiều cửa hàng sách cũ, nhưng với những người yêu sách thì những hội chợ sách vẫn là cơ hội tốt để họ kiếm tìm những cuốn sách cũ yêu thích. Và ở những hội chợ sách lớn như đang diễn ra, những gian hàng sách cũ dù nằm khiêm tốn, trưng bày giản đơn vậy mà luôn có sức hút đáng kể.

Có người tìm kiếm một vài cuốn họa báo cũ, cuốn truyện từng đọc thời ấu thơ, hoặc kiếm tìm sách để làm phong phú cho bộ sưu tập sách cũ của mình… Chuyện cảm động là có cụ già lọ mọ đi khắp các hội sách, chỉ với hi vọng duy nhất tìm lại được một tập thơ mà người yêu xưa đề tặng- bởi cách đây nhiều chục năm khi chuyển nhà cụ đã để thất lạc.

Tại sao bạn đọc lại thiết tha với sách cũ đến thế, trong khi trên thực tế, sách mới không ngừng được in thêm, trong khi những cuốn sách cũ thì đã ố vàng, rách bìa, sờn gáy… Hẳn nhiều người có cảm giác giống như tôi, bởi đi tìm lại đúng cuốn sách mình đã đọc sẽ thực sự được sống lại những khoảnh khắc cảm xúc lạ kỳ.

Tại Hội chợ Sách Hà Nội 2014, phải rất kỳ công tìm kiếm, cuối cùng tôi đã gặp lại cuốn sách từng gắn bó với mình thời thơ ấu: Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia (NXB Kim Đồng- 1983). Câu chuyện thuộc loại viễn tưởng, mở ra cho trẻ thơ một thế giới rất đẹp khi miêu tả thành tựu của khoa học, rằng các giáo sư có thể chế ra loại thuốc phóng to và thu nhỏ mọi vật. Sách cũ được in trên giấy đen, bìa minh họa cũng đơn giản.

Sau này cuốn sách ấy được in lại bởi nhiều NXB khác nhau, giấy trắng tinh, bìa trình bày đẹp- nhưng nhìn rất rối mắt. Hơn thế nội dung truyện in mới về sau này cũng bị sửa chữa cắt xén nhiều. Đó có lẽ là lý do không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người quyết tâm tìm lại sách cũ.

Có người bảo, bây giờ sách cũ mới là sách tử tế. Tất nhiên không hẳn vậy. Nhưng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng: sách cũ luôn có tiếng nói riêng của mình. Qua những cuốn sách cũ, người đọc có thể lắng nghe được tiếng rì rầm của từng thời kỳ lịch sử trên chất liệu giấy in, cách sắp xếp các con chữ, thậm chí là cả mẩu giấy “đính chính” hay sự phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt thông qua cách hành văn…

Bản thân sách cũ, đặc biệt là các tờ báo xưa cũng đã là một họa phẩm tuyệt tác của các danh họa thời trước rồi. Mỗi lần cầm trên tay cuốn sách cũ, bạn đọc sẽ có cảm giác như đang tiếp cận được với quá khứ của một ai đó. Và đây chính là điều đặc biệt mà sách - báo cũ mang lại cho bạn đọc.

Ngày nay, dù có nhiều kênh giúp con người tiếp cận thông tin, tri thức. Có lúc tưởng chừng như văn hóa đọc bị mai một, bị quay lưng. Nhưng không phải thế, sách có thế giới riêng. Đặc biệt là thế giới sách cũ cũng có những độc giả riêng, bởi nó vẫn âm thầm được bảo lưu trong dòng chảy cuộc đời. Dẫu vậy, trên thực tế vẫn còn rất nhiều sách quí đang được chủ nhân của chúng- có thể vì quá nâng niu, hoặc vì những lý do nào đó mà cất giữ rất kỹ, chưa muốn chia sẻ với nhiều người…

Như đã nói, có muôn vàn cách để sưu tầm sách cũ. Việc tìm đến với các hội chợ sách như đang diễn ra cũng là một cách. Điều đáng mừng là giờ đây, những người chơi sách cũ đang được “trẻ hóa”. Lang thang trên mạng xã hội, sẽ gặp rất nhiều những hội, nhóm…cùng chung sở thích tầm sách cũ để gìn giữ một loại hình di sản, hay gọi là gìn giữ báu vật cũng được. Thật xúc động khi gặp những dòng chia sẻ: “Hãy cho sách quí có cuộc sống. Hãy cho nó được mở ra, được có người đọc, nâng niu, kính trọng”.

Trong Luật Di sản văn hóa có những qui định rõ ràng và cụ thể về các loại Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể. Tất nhiên, trong đó, chưa có chữ nào dành cho sách. Nhưng nhìn vào giá trị của sách, nhất là sách quí, những yêu sách hẳn sẽ đồng tình rằng: coi sách là Di sản văn hóa vật thể hay Di sản văn hóa phi vật thể đều xứng đáng. Hơn thế, sở hữu được một cuốn sách quí, có khi còn hơn là việc có được một báu vật.

Tiến tới kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sáng 29/9, Di sản Hoàng thành Thăng Long (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội), Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức khai mạc Hội Sách Hà Nội 2015 với chủ đề “Sách và Di sản”, với 3 chuyên đề lớn gồm: “Đảng và Bác Hồ”, “Tổ quốc - Biển đảo”, “Hà Nội - Thủ đô văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”. Hội sách có 167 gian hàng của trên 57 nhà xuất bản, công ty sách trên cả nước với số lượng trên 20.000 tên sách, hàng vạn bản sách gồm nhiều thể loại phong phú, đa dạng: sách thiếu nhi; sách văn học, văn hóa xã hội; sách kinh tế, khoa học kỹ thuật; sách ngoại văn; sách điện tử và thiết bị số.

Hoàng Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di sản sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO