Đi tìm làng cổ

Lã Thế Tuấn 01/08/2016 10:35

Cơn lốc đô thị hóa quá dữ dội khiến cho những ngôi làng dần biến dạng. Âu đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng những ngôi làng Việt cổ đã được phong danh lại cũng đang bị méo mó lại là vấn đề khác. Chuyện tưởng “xưa như trái đất” nay lại ồn ào do có những ý kiến khác hẳn nhau: Người bảo phải giữ bằng được, người thì “vặn” rằng: Giữ để làm gì? Dân làng có muốn giữ đâu mà giữ.

Ảnh minh họa.

Cách đây một tuần, tại làng Na (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh), Sở Xây dựng Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh”. Vùng đất Kinh Bắc vang lừng trong lịch sử với những chị Hai anh Hai quan họ, với nón quai thao, áo mớ ba mớ bảy; với mái đình, cây đa, giếng nước. Vùng đất đẹp như trong cổ tích qua hình ảnh những ngôi làng bình yên tự ngàn đời, nhưng nay cũng đứng trước thách thức của biến động thời cuộc.

Bắc Ninh đang phát triển mạnh về công nghiệp đi cùng đó là đô thị hóa, với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vòng chưa tới 10 năm nữa. Vậy, làng cổ có còn không? Nếu giữ thì giữ bằng cách nào? Bảo tàng không gian làng, nói thì dễ nhưng làm được thì cực khó.

Nói như một vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh thì bảo tồn không gian làng sẽ tạo nên bản sắc riêng của đô thị Bắc Ninh khi hội nhập quốc tế. Như vậy là cho dù làng sẽ lên chuyến tàu hội nhập nhưng không được bỏ lại sân ga hồn cốt, những gì đã từng kết tinh lại sau hàng ngàn năm chìm nổi.

Từ câu chuyện của Bắc Ninh, lại nhớ đến chuyện làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Bất cứ ai từng đến Đường Lâm (nhất là làng Mông Phụ) hẳn không thể quên hình ảnh những ngôi nhà với tường đá ong, những chum tương, những con đường nhỏ nhắn quanh co uốn lượn.

Trước đình làng uy nghi, một bà cụ xưa thật là xưa ngồi bán nước chè với chút kẹo bột, kẹo dồi. Nhưng người ta cũng không khỏi áy náy khi đối diện với những khối nhà bê-tông mới hoàn toàn sừng sững trong làng, đè bóng xuống những mái nhà mái ngói lô xô thất thế.

Cũng chưa dễ gì quên được mới cách đây ít năm thôi, người làng đã làm đơn xin được rút khỏi danh sách Di tích làng Việt cổ, chỉ vì sống trong những ngôi nhà thiếu tiện nghi, đã xuống cấp nghiêm trọng khổ quá. Đời sống đã khác, không thể cứ mặc mãi chiếc áo cũ đã sờn vai vá gấu. Nhìn những hạt bụi từ mọt gỗ trên nóc nhà rơi xuống, người làng còn nói rất hình ảnh rằng đó là “bụi quá khứ”.

Muốn giữ vẻ đẹp riêng “cha truyền con nối” của làng lắm chứ, nhưng cuộc sống khác rồi, phải có cách ứng xử phù hợp. Chính sách luôn theo đuôi thực tế. Giữ làng cổ là đúng (vì rằng có còn mấy ngôi làng thật cổ nữa đâu mà chẳng cố công giữ), nhưng không thể để người làng cứ phải sống “cổ” mãi. Như vậy chỉ khiến người ta sợ làng.

Vấn đề là phải làm sao để người làng hòa nhập được, nhưng không làm mất đi kiến trúc độc đáo, đặc sắc còn sót lại. Ở đây chính là việc quy hoạch cụ thể, cho phép được sửa chữa những gì, buộc phải giữ những gì.

Không thể nhân danh giữ gìn làng cổ mà “bó chiếu” cả ngôi làng, mặc cho thời gian hủy hoại làm nó xập xệ còn người dân thì chỉ mong một ngày nào đó được dỡ bỏ, làm nhà mới để “sống cho sướng”. Để rồi, đến lúc nào đó, người dân phá nhà cổ, trong đêm gấp gáp làm nhà “chui” để tránh sự khó dễ của chính quyền, từ đó sinh ra lắm chuyện rầy rà.

Ở làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), mấy năm trước có việc ấy. Cự Đà là ngôi làng có tiếng trong quá khứ, cùng với nghề chính là làm miến thì dân làng còn giỏi nhiều nghề khác. Kiến trúc của làng rất độc đáo. Người dân làm giàu được từ chính ngôi làng của mình, nên làng còn có một tên gọi khác nữa là “làng Phong Lưu”.

Nhưng cuộc sống đổi khác, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ mà làng lại không cách trung tâm Thủ đô là mấy, nên cứ rậm rịch, đứng ngồi không yên. Sau này, người ta còn gọi Cự Đà là “làng đi ở nhờ”, bởi nhiều thế hệ sinh sống trong cùng một ngôi nhà chật chội, xuống cấp... của người khác đã ra phố làm ăn từ thuở xa lắc xa lơ.

Có tiền cũng không được phép cải tạo vì nhà cổ nằm trong danh sách bảo tồn. Chủ cũ đi lâu rồi, nhưng sở hữu vẫn của họ, người ở nhờ muốn sửa chữa cũng không được, có khi lại ra đường như bỡn nếu bị đòi lại. Tới nay, một mối nguy nữa đến với làng Phong Lưu, ấy là việc cơn lốc đô thị hóa có thể cuốn phăng những di sản cuối cùng bất cứ lúc nào.

Thống kê cách đây 5 năm, vào năm 2011, có tới 80% đất canh tác của xã trong đó có làng Cự Đà đã nhường lại cho khu đô thị mới Thanh Hà. Cũng “nhờ” việc này mà nhiều hộ trong làng, nhận được hàng tỷ đồng đền bù (tổng số tiền đền bù ở Cự Đà là 650 tỷ lúc bấy giờ). Thế là những ngôi nhà đời mới mọc lên như nấm sau mưa, che khuất những ngôi nhà cổ. Người ta nói rằng, đó là xu thế “không thể cưỡng lại được”.

Chuyện làng cổ, làng mới vậy nên hết sức rắc rối, gắn liền với cuộc sống hàng ngày cũng như sinh kế lâu dài của người dân. Giữ những gì, giữ như thế nào, dân làng được lợi gì khi tiếp tục sống trong những ngôi nhà cũ, trong không gian cũ- đó là những vấn đề phải được đặt ra.

Trở lại chuyện làng cổ ở Bắc Ninh, theo kiến trúc sư Nguyễn Huy Phách thì đây là bài toán “2 trong 1”. Công cuộc đô thị hóa là tất yếu khách quan, nhưng đô thị không đối lập, không phủ định làng quê, mà ngược lại là sự kế thừa và phát triển làng quê dựa trên cái nền văn hóa của làng. Theo đó, bảo tồn làng không có nghĩa là né tránh, hạn chế sự phát triển, mà là bảo vệ sự sống của nó. Đáng chú ý, ông Phách cho rằng, chúng ta đang phố hóa làng mạc nhưng cũng lại làng mạc hóa phố, dẫn đến chuyện chấp chới giữa làng và phố.

Đi tìm những ngôi làng Việt cổ trong cơn lốc đô thị hóa, hiện đại hóa ngày một khó khăn. Nếu ngay từ bây giờ không có được kế hoạch, quy hoạch đúng đắn hợp lòng dân thì rồi sẽ đến lúc những ngôi làng thân thương chỉ còn trong ký ức. Để rồi đến một lúc nào đó, dẫn con cháu đến một khu phố thị nửa tây nửa ta, chúng ta bảo rằng, trước đây nơi đó là làng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm làng cổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO