Dịch vụ công và tư

Hoàng Mai 25/07/2015 09:15

Nếu không thay đổi tư duy, không thay đổi cách tiếp cận với khách hàng tiềm năng của mình thì sớm muộn khu vực dịch vụ công do Nhà nước quản lý sẽ tụt hậu so với khu vực dịch vụ công do tư nhân quản lý. Một sự thật có thể nhìn thấy trong tiến trình phát triển hiện nay.

Dịch vụ công và tư

Ảnh minh họa.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Ngày 23/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014). Nhóm nghiên cứu cho biết, Báo cáo CAMS 2014 phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và những nhóm cá nhân khác đến từ nhiều khu vực khác nhau trong nền kinh tế về quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường (KTTT) tại Việt Nam trong thời gian qua. Với hơn 1.600 người phản hồi khảo sát, kết quả điều tra CAMS 2014 một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhóm khảo sát đối với mô hình KTTT (89%), sở hữu tư nhân trong nền kinh tế (71%) và yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách tại Việt Nam (94%), tăng nhẹ so với khảo sát CAMS 2011 (kết quả tương ứng lần lượt là 87%, 69% và 92%).

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: “Kết quả này cho thấy những cải cách mà Việt Nam hiện đang thực hiện phù hợp với nhu cầu của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đưa ra những phát hiện đáng chú ý như kỳ vọng rất lớn về vai trò của Nhà nước trong kiểm soát giá cả, tình trạng lưỡng thể của nền kinh tế, đánh giá hiệu quả của chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước hay bình ổn giá chưa cao…. Kết quả của nghiên cứu này sẽ là những chỉ báo quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách cũng như các cơ quan nghiên cứu thúc đẩy những chương trình nghiên cứu và hành động cụ thể, nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam vận hành đúng hướng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng công dân Việt Nam”.

Đặc biệt, đáng chú ý trong CAMS 2014 đã cho thấy một điều; những người tham gia khảo sát đánh giá cao chất lượng một số dịch vụ công do khu vực tư nhân cung cấp (y tế, giáo dục, công chứng, giao thông công cộng). 4 dịch vụ công này, được cho là những dịch vụ công cơ bản và đã được triển khai xã hội hóa trong những năm gần đây. Theo như kết quả khảo sát mà nhóm nghiên cứu công bố thì, về cơ bản những người tham gia vào khảo sát có mức độ hài lòng và hoàn toàn hài lòng với những dịch vụ công do tư nhân cung cấp cao hơn những dịch vụ công (thuộc 4 dịch vụ kể trên) do Nhà nước cung cấp. Nó chứng tỏ chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa 4 loại dịch vụ này là đúng và đem lại kết quả tốt.

Thử xem điều tra cảm nhận từ kết quả CAMS 2014 thì thấy rõ hơn về mức độ hài lòng hoặc hoàn toàn hài lòng. Về dịch vụ y tế, 11 % người được hỏi cảm thấy hài lòng với dịch vụ do Nhà nước cung cấp trong khi con số này với y tế tư nhân là 45%. Với chất lượng giáo dục thì chỉ 15% cảm thấy hài lòng với dịch vụ do Nhà nước cung cấp; trong khi với hệ thống giáo dục tư nhân, mức độ này là 33%. Đối với dịch vụ công chứng mức độ ấy là 26% và 46% tương ứng với dịch vụ do Nhà nước và tư nhân cung cấp. Và con số này ở giao thông công cộng lần lượt là 10% và 30%.

Khảo sát cho thấy một cảm nhận, thay vì hoàn toàn tin tưởng vào những dịch vụ của Nhà nước như trước đây; giờ rõ ràng người dân đã có những sự lựa chọn khác, tốt hơn và phù hợp hơn với khả năng kinh tế của bản thân. Nhưng nó cũng đặt ra một vấn đề: tại sao với một hệ thống đã hình thành từ lâu, với nhiều ưu việt, hoạt động trải từ thời bao cấp sang thời kinh tế thị trường định hướng XHCN- lại thiếu tính cạnh tranh? Do chậm chuyển đổi phương thức hoạt động vì được bao cấp quá lâu - có. Do quá quen với cơ chế xin - cho thời bao cấp - có. Do thái độ phục vụ - có.

Cũng có những đánh giá cao một số lĩnh vực trong số 4 lĩnh vực kể trên như ý kiến của ĐBQH Lê Đình Khanh (Hải Dương): “Lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông cũng đang có chiều hướng tốt, chủ động phòng chống dịch, giảm tải bệnh viện tuyến Trung ương, khắc phục tình trạng nhiều bệnh nhân nằm chung một giường, cải tiến việc thi cử, đánh giá và phân loại học sinh, đẩy lùi tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Nhất là các lò luyện thi đại học, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, hạn chế một bước tình trạng xe quá khổ, quá tải”.

Thậm chí, mới đây, ngành y tế mà cụ thể là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị các cán bộ của ngành này thay đổi thái độ phục vụ với bệnh nhân. Bước đầu đã có những ghi nhận khả quan. Hay như, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng với những ý kiến kiên quyết thậm chí quyết liệt nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng phục vụ của giao thông công cộng; mà những thay đổi của ngành đường sắt hay hàng không cũng đã nhận thấy. Nhưng tất cả mới chỉ là bước đầu.

Nhưng cũng từ chính sự kiên quyết của các lãnh đạo ngành mới thấy, rõ ràng, về thái độ, cách thức phục vụ của các ngành vốn dĩ xưa này Nhà nước nắm vai trò chủ đạo vẫn còn không ít vấn đề. Chứ nếu không thì đã chẳng có bộ trưởng nào phải đưa ra biện pháp chấn chỉnh hay cải tiến. Trở lại với các dịch vụ công cùng loại nhưng do tư nhân đầu tư và nắm giữ quyền quản lý; rõ ràng, áp lực tăng thu bù chi cũng như áp lực cạnh tranh với một hệ thống của Nhà nước đã tồn tại nhiều năm với kinh nghiệm đầy mình và đội ngũ chuyên gia giỏi đã giúp tư nhân quản lý vững chắc hơn. Một sự vững chắc nhằm bảo vệ ví tiền của chính mình. Điều này rõ ràng các dịch vụ công trong khu vực do Nhà nước quản lý còn lâu mới bắt kịp.

Nó cũng cho thấy, nếu không thay đổi tư duy, không thay đổi cách tiếp cận với khách hàng tiềm năng của mình thì sớm muộn khu vực dịch vụ công do Nhà nước quản lý sẽ tụt hậu so với khu vực dịch vụ công do tư nhân quản lý. Một sự thật có thể nhìn thấy trong tiến trình phát triển hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch vụ công và tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO