Điều kiện

Miên Thảo 31/12/2015 10:35

Rốt cục, đoàn kiểm tra liên ngành (Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế) cũng đã “làm việc” xong với trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, về việc trường này mở ngành Y đa khoa và Dược học. 2 cuộc kiểm tra, cách nhau hơn 2 tháng, cũng có thể được hiểu là cẩn thận. Ý kiến đưa ra là đồng ý cho trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh khi “đáp ứng đủ các điều kiện còn thiếu”. Nhưng nhìn vào thực tế, nói rộng ra, việc “đáp ứng đủ điều kiện” trong nhiều trường hợp là khá mơ hồ.

Điều kiện

Thực tập tại bệnh viện hết sức quan trọng với sinh viên trường Y.

Trước khi “lạm bàn” về khái niệm đủ điều kiện, xin được nói chút ít về điều kiện cần bổ sung đầy đủ của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Với ngành Y đa khoa, Trường phải bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán trị giá 11 tỉ đồng và giao vào tháng 1/2016. Với ngành Dược học, Trường cũng phải bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán 23 tỉ đồng và giao vào ngày 22/2/2016.

Ở đây nổi lên hai vấn đề. Thứ nhất là thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, và hai là tiền- số tiền rất lớn (nếu cộng gộp cả hai khoản là 33 tỉ đồng). Trong đào tạo Y, Dược việc thực hành là vô cùng quan trọng, chứ không phải là lý thuyết, vì nó liên quan chặt chẽ và tức thì tới mạng sống con người. Nếu thiếu điều đó thì nguy to, nhưng ở đây lại chưa có. Việc này lại “móc xích” với chuyện tiền đầu tư.

Thực tế cho thấy, không ít cơ sở đào tạo “chủ động tiết kiệm” đầu tư cho thiết bị thực hành, vì đây là số tiền lớn. Đặc biệt, cơ sở đào tạo ngoài công lập thì người ta lại càng giảm chi. Mà nếu như thế thì rốt cục cũng lại là lý thuyết suông, thầy giảng trò ghi, đến khi ra trường, xin được việc thì cơ sở tiếp nhận lại phải đào tạo lại.

Trong nhiều trường hợp, không chỉ với đào tạo, nhiều nơi không đủ điều kiện, bất chấp điều kiện vẫn cứ làm tới. Vì thế mới nảy sinh nhiều hệ lụy. Điều kiện ở đây không phải là trên trời rơi xuống, cũng không phải là trông chờ ngoại lực, kêu gọi hợp tác đầu tư, cổ phần..., mà điều kiện tự thân. Hay nói cách khác là nội lực.

Nội lực không có vẫn cứ làm, dựa vào cách nghĩ vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung sau. Việc nhỏ, thôi thì cho qua. Nhưng với việc lớn, việc hệ trọng, đặc biệt là việc liên quan tới sức khỏe con người thì không thể thế được. Sểnh ra là sẽ đưa tới hậu quả khôn lường. Chẳng lẽ lúc đó lại lí luận “do chưa đủ điều kiện”? Thế thì ngược lại: Vì sao chưa đủ điều kiện vẫn cứ làm?

Thực chất, đó là lối tư duy bao biện, dẫn tới làm ẩu, làm bừa, bất chấp hậu quả. Đầu tư đủ, đầu tư theo chiều sâu còn chưa ăn ai nữa là “trốn” đầu tư. Tư duy “bóc ngắn cắn dài”, “tay không bắt giặc” lâu nay đã thành nếp, thành cách ứng xử của không ít người, không ít cơ sở. Điều đó gây tác động xấu tới xã hội, nhất là khi nó trở nên phổ biến.

Trở lại với việc mở ngành Y đa khoa và Dược học của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Tất nhiên phải có đủ điều kiện mới được phép tuyển sinh để đào tạo - điều đó ai mà chẳng hiểu. Nhưng, ngoài điều kiện nêu trên (theo ý kiến thanh tra liên ngành), thì thiên hạ vẫn lo về chất lượng đầu vào (người học) cũng như chất lượng người dạy. Khi mà điểm sàn thấp để có nhiều người đóng tiền theo học thì không biết rồi sau chất lượng các bác sĩ, dược sĩ ra sao. Đây là lo lắng chính đáng. Xét ra, đây mới chính là điều kiện hàng đầu của ngành học này, bởi tính chất đặc biệt quan trọng của nó.

Từ trước tới nay, việc thí sinh khó vào trường Y, Dược là rõ ràng, bởi những trường này lấy điểm số đầu vào bao giờ cũng thuộc loại cao nhất trong các trường đại học. Nói nôm na là có thế mới “sàng lọc” được đầu vào. Trên nền tảng kiến thức tích lũy được của 12 năm học phổ thông, chỉ những em khá, giỏi mới có thể đào tạo để trở thành bác sĩ giỏi, dược sĩ giỏi (dĩ nhiên không loại trừ khả năng trường hợp đặc biệt). Nhiều người đã từng nói, ngành Y, Dược là “phao cứu sinh” cho các trường ĐH, TCCN mở ngành đào tạo này; vì nhiều người muốn học để sau này dễ có việc, thu nhập cao. Do đó, nếu ào ào thi vào, ào ào nhận sẽ là một đại họa lâu dài.

Đó là chưa nói đến phía người dạy. Dạy cho người ta hành nghề cứu người phải là những bậc uyên thâm trong nghề, đức cao vọng trọng theo đúng nghĩa. Vậy các trường mới mở mã ngành đào tạo có đủ đội ngũ như vậy hay không? Kể cả đi thuê người dạy đi chăng nữa. Điều kiện đội ngũ thầy dạy do đó cũng phải được đặt lên hàng đầu. Nếu hai điều kiện người học và người dạy đều “xuê xoa” mà chỉ nhìn bên ngoài, nhìn vào con số thì quả là quá giản đơn.

Làm việc gì muốn thành công cũng cần đến điều kiện đi cùng. Quan trọng là xác định những điều kiện gì là then chốt, điều kiện hàng đầu phải bảo đảm cho đủ, cho tốt, chứ không nên đưa điều kiện hạng dưới lên làm đầu. Đặc biệt, như đã nói, điều kiện ấy phải là tự thân, phải là nội lực, chứ không phải là cho qua để rồi “bổ sung, rút kinh nghiệm dần”.

Nói tới điều kiện không phải là để ép nhau, làm khó nhau; mà quan trọng hơn tự mình phải chuẩn bị đủ điều kiện. Đó mới là then chốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều kiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO