Đổi mới và cầu thị

Hoàng Mai 18/05/2019 08:30

Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 10 diễn ra hôm 16/5, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới việc đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận và cả đổi mới trong cách làm với các công việc liên quan đến Báo cáo chính trị, Cương lĩnh xây dựng đất nước hay như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

“Nói Báo cáo chính trị là trung tâm không có nghĩa là chỉ có Báo cáo chính trị. Báo cáo chính trị nêu toàn diện tất cả các vấn đề trên tất cả các lĩnh vực, làm định hướng có tính đường lối, có tính chính trị để sắp tới triển khai các công việc. Cùng với Báo cáo chính trị có Báo cáo tổng kết Cương lĩnh. Có 2 báo cáo chuyên đề quan trọng. Một là, Báo cáo về kinh tế - xã hội. Đặc biệt lần này, chúng ta tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011-2020 để làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới. Kinh tế là trung tâm, lâu nay thường có Báo cáo kinh tế - xã hội nhưng là Báo cáo chuyên đề, nó không trùng với Báo cáo chính trị, nó phải cụ thể hơn. Báo cáo chuyên đề thứ 2 rất quan trọng là Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và việc thi hành Điều lệ Đảng, để xem xét có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội sắp tới hay không? Nếu có sửa thì chúng ta phải tổng kết. Nhưng Báo cáo kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt cũng là 2 báo cáo chuyên đề đi sâu vào 2 lĩnh vực khó, phức tạp và đặc biệt quan trọng. Nội dung các Báo cáo này không được trái với Báo cáo chính trị, phải theo Báo cáo chính trị, nhưng lại không nhắc lại Báo cáo chính trị một cách chung chung, có điều kiện nói cụ thể hơn”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu định hướng cụ thể cũng là một cách gợi mở cho quá trình soạn thảo các văn kiện quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội.

Các báo cáo gửi Đại hội bao giờ cũng là một phần quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất của một kỳ Đại hội Đảng. Nó không chỉ có trách nhiệm tổng kết những gì đã làm được trong nhiệm kỳ qua; mà quan trọng là qua đó phân tích, đưa ra những luận điểm, những định hướng phát triển cho giai đoạn kế tiếp. Điểm đặc biệt của kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây không phải chúng ta chỉ đưa ra định hướng cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021-2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Có lẽ vì lý do này, Bộ Chính trị đã định hướng mốc thời gian đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII; đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta cần định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045 sẽ như thế nào? Như vậy là một tầm nhìn cho khoảng 20 năm sau của nhiệm kỳ XIII.

Đưa ra định hướng cho 5 năm hay 10 năm đôi khi còn không phải là việc dễ dàng; nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng có chuyển biến nhanh chóng, sự xoay trục của các nước lớn cũng khiến thay đổi bối cảnh địa - chính trị ở nhiều khu vực; thế nên, đưa ra định hướng cho 20 năm kế tiếp sẽ là việc làm còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Nó không chỉ đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia, của thế giới- những vấn đề tưởng chừng chả liên quan gì nhưng thực chất nó lại rất có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của chúng ta. Ở trong nước, việc đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của mỗi vùng, mỗi địa phương đặt trong bối cảnh chung của quá trình phát triển đất nước tưởng chừng là việc làm dễ dàng nhưng đôi khi chúng ta cũng không thể lường hết yếu tố không thuận của thiên nhiên tác động trở lại chúng ta và cả sự tác động của tình hình thế giới đến chúng ta.

Có lẽ vì thế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh việc đưa ra định hướng cho tương lai với tầm nhìn dài hơi là vấn đề khó, phức tạp.

“Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó. Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào? Công hữu, tư hữu, hỗn hợp… Các thành phần kinh tế thì có nhà nước, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, có đầu tư nước ngoài. Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu hàng loạt câu hỏi liên quan đến các vấn đề cốt yếu của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh chính trị đất nước để thấy, đổi mới ở một số lĩnh vực nhất là những vấn đề liên quan đến kinh tế là rất quan trọng cho quá trình phát triển. Cũng vì thế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhiều đến việc đổi mới cách làm và phải lắng nghe nhiều hơn, tận dụng tối đa các ý kiến xác đáng của các nhà khoa học, trí thức, các bậc lão thành cách mạng để có thể tìm ra, gợi mở hướng đi tốt nhất cho tương lai đất nước. “Tôi đề nghị cũng nên đổi mới, phải thực sự cầu thị, đổi mới cách làm”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Cũng vì lẽ đó mà các đề cương văn kiện lần này chỉ nêu định hướng, có độ mở cao với nhiều phương án khác nhau- nó có nghĩa là chưa ấn định một mô hình, phương thức nào. Nó có nghĩa các Ủy viên Trung ương có thể phát huy trí tuệ đưa ra nhiều cách tiếp cận rồi từ đó mới lựa chọn phương án. Từ sự đổi mới trong cách xây dựng văn kiện trình Đại hội XIII có thể thấy, Đảng ta đang thực sự cầu thị và đưa ra cách làm mới trong quá trình chuẩn bị văn kiện của Đại hội XIII. Một sự đổi mới cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới và cầu thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO