Dòng chảy FDI

Nam Việt 28/08/2017 07:45

Báo cáo mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: tính chung trong 8 tháng năm 2017 tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là những con số rất phấn khởi, cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế trong tương lai gần.

Số “ông lớn” trong nước đầu tư vào nông nghiệp vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Cụ thể, báo cáo cho biết, tính đến ngày 20/8/2017, cả nước có 1.624 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 13,45 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Có 773 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2016 và 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,5 tỷ USD, tăng 101,3% so với cùng kỳ 2016.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất, với tổng số vốn 11,69 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,36 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,28 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cũng trong khoảng thời gian này, 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đầu tư 6,02 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư.

Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,74 tỷ USD, chiếm 24,58% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,92 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư.

Về địa bàn đầu tư, phân tích của Báo cáo cho thấy, có 58/63 tỉnh thành có dòng vốn FDI đăng ký, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất: tổng số vốn đăng ký 3,3 tỷ USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư FDI cả nước.

Không thua sút mấy so với TP HCM là Thanh Hóa, giữ vị trí thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,06 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,05 tỷ USD chiếm 13% tổng vốn đầu tư.

Báo cáo cũng cho biết, ước tính đến ngày 20/8/2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo giới chuyên gia kinh tế, đây là thời kỳ thu hút dòng vốn FDI rất tích cực của Việt Nam. Giới quan sát nước ngoài bình luận, điều đó cho thấy “sức hút và sự thuyết phục” của một chính phủ hành động, chính phủ kiến tạo, chính phủ xác định luôn rộng cửa đối với nhà đầu tư đến từ nước ngoài. Như người đứng đầu Chính phủ- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Thắng lợi của nhà đầu tư cũng là thắng lợi của Việt Nam.

Trước đó, khi tổng kết FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017, giới chuyên gia cũng đã đưa ra những nhận định lạc quan, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ sụt giảm của nguồn vốn FDI khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.

Kết quả thực tế cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Trưởng Bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) nhận xét, điều đó khách quan cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt và được các nhà đầu tư trên thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có sự phát triển nhanh nhất khu vực.

Việc Việt Nam nỗ lực và kiên quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm các thủ tục hành chính đã được các nhà đầu tư nước ngoài thừa nhận. Từ đó đã dẫn tới những bài toán kinh tế cụ thể thông qua đầu tư.

Vẫn theo ông Thịnh, việc nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia châu Âu có tiềm lực về khoa học công nghệ là tín hiệu đáng mừng để tạo ra bước tăng trưởng về khoa học công nghệ cũng như nâng cao năng suất của nền kinh tế.

Nhưng, theo giới chuyên gia, Việt Nam cần vốn nhưng quan trọng hơn là cần công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện.

Khi mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang trở thành xu hướng mạnh mẽ toàn cầu thì việc thu hút đầu tư, phát triển ở những lĩnh vực hàm lượng chất xám cao, nhân công ít, năng suất cao là hướng đi đúng đắn.

Việc thu hút được FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới có những khó khăn đã là một thành công, nhưng thành công đó chỉ thực sự vững chắc, là bàn đạp để bước những bước dài rộng tới tương lai lại phải là dòng vốn ấy đến từ đâu, đầu tư vào lĩnh vực gì.

Tới thời điểm này, dòng vốn FDI vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện và khai khoáng.

Đây cũng đã là dòng chảy thuận, nhưng vẫn rất cần dòng vốn cho những lĩnh vực quan trọng khác, trong đó có nông nghiệp. Khi chúng ta xác định xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao thì việc tìm vốn, tìm công nghệ tiên tiến cho lĩnh vực này cần phải được chú trọng hơn nhiều.

Việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, thường được gọi là “chính sách tam nông” đã được xác định và đẩy mạnh, nhưng vẫn thiếu lực. Số “ông lớn” trong nước đầu tư vào nông nghiệp vẫn đếm trên đầu ngón tay, cho dù nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ đã đưa ra.

Tìm kĩ thuật cao cho nông nghiệp, không ít nhà nông học đã đề cập đến mô hình Israel- một đất nước sa mạc là chính, thiếu nguồn nước nhưng lại sản xuất ra nhiều mặt hàng nông phẩm hàng đầu thế giới. Thế nhưng, việc liên kết - học hỏi chưa nhiều, vì vậy cũng không thấy sự đổi thay rõ rệt ở lĩnh vực này.

Nêu ra một ví dụ về nông nghiệp tiên tiến là Israel để thấy trong kêu gọi đầu tư, cần “đưa thêm” vào danh mục là nông nghiệp. Từ đó xác định địa chỉ đầu tư đến từ đâu chứ không thể nhận nguồn đầu tư bất kỳ với kỹ thuật đã hoặc sắp trở thành lỗi thời.

Đã qua rồi thời kỳ trải thảm đỏ cho dòng vốn ngoại với bất cứ giá nào; đồng thời lợi thế giá nhân công rẻ cũng đang qua. Bây giờ là lúc phải chọn lựa lĩnh vực đầu tư, công nghệ đầu tư, dòng vốn đầu tư.

Với người viết bài này, rất mong dòng vốn FDI cũng như công nghệ tiên tiến sớm chảy vào lĩnh vực nông nghiệp. Ở lĩnh vực này, chúng ta có những lợi thế, có nội lực, nhưng lại đang thiếu vốn và thiếu công nghệ tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dòng chảy FDI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO