Đột phá cho vùng khó

Bắc Phong 10/08/2019 08:00

Tại Hội thảo công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mới đây, nhiều ý kiến đánh giá sau quá trình đầu tư hỗ trợ phát triển toàn diện, vùng DTTS và miền núi đã đạt được kết quả quan trọng. Đời sống vật chất của đồng bào các DTTS được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng hiện đồng bào các DTTS vùng DTTS đang đứng trước nguy cơ tụt hậu so với sự phát triển chung của đất nước.

Đột phá cho vùng khó

Thôn bản ở miền núi tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Alăng Ngước.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, mặc dù tỷ lệ nghèo cả nước nói chung và của vùng DTTS nói riêng được giảm dần qua các năm, nhưng khoảng cách chênh lệch, cũng như mức sống giữa các dân tộc ngày càng giãn ra. Vùng DTTS đã, đang và tiếp tục là “lõi nghèo của cả nước”. Tính đến cuối năm 2018, hộ nghèo là người DTTS chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước, trong khi số dân chiếm tỉ lệ không cao trong tổng dân số cả nước.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng nhiều bà con DTTS sinh sống. Chính nhờ đó mà bộ mặt vùng đồng bào DTTS thay đổi khá rõ. Cụ thể, hệ thống trường các cấp phủ kín các xã, đến tận thôn bản. Đường giao thông liên xã, giao thông trong xã cũng ngày một nhiều hơn. Với miền núi, giao thông là yếu tố rất quan trọng để phát triển kinh tế cũng như gắn kết bà con. Trước kia, từ nhà nọ sang nhà kia, từ bản nọ sang bản khác không dễ dàng. Còn đi từ xã lên huyện là cả một vấn đề. Nay, do giao thông phát triển, khoảng cách địa lý đã thu hẹp. Việc chăm sóc sức khỏe cho bà con cũng có nhiều thành tựu. Hệ thống trạm y tế xã, y tế thôn bản ngày một tốt hơn.

Thực tế ấy không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tốc độ phát triển ở vùng bà con DTTS chậm hơn so với những vùng khác, từ đó dẫn tới khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo đang giãn rộng.

Về nguyên nhân của thực trạng ấy, có thể lý giải ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng, nguyên nhân căn bản là do xuất phát điểm kinh tế - xã hội ở đây thấp hơn nhiều so với đồng bằng, thành thị. Tỉ lệ hộ nghèo cao, lực lượng lao động được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật ít, đầu tư của từng hộ gia đình, từng thôn bản, từng xã, từng huyện thấp… nên khó có thể có được sức mạnh để bứt phá.

Do đó, việc đầu tư mạnh vào khu vực này là điều rất cần thiết, nếu không muốn sự chênh lệch ngày thêm lớn. Cùng với chủ trương, chính sách mang tính tổng thể, thì rất cần những giải pháp cụ thể, sát thực tế. Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến thì đối với các tỉnh miền núi, thế mạnh chính là từ lĩnh vực lâm nghiệp. Do đó trong việc xây dựng chính sách làm sao để bà con dân tộc sống được từ rừng. Còn theo ông Đặng Huy Hậu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thì bên cạnh việc dành nguồn lực đầu tư về hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi phải giải được bài toán thu nhập cho người dân. Ông Ksor Phước- nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, để giúp các đồng bào DTTS thoát nghèo rất cần vai trò “bà đỡ” của Nhà nước và doanh nghiệp.

Đã đến lúc phải có bước đột phá đối với khu vực này. Bước đột phá đó dựa trên nền tảng là những thành tựu đã đạt được, nhưng rất quan trọng là việc đầu tư cụ thể, tạo ra mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Trên thực tế, doanh nghiệp không muốn đầu tư vào khu vực này, do có quá nhiều khó khăn. Bà con không thể tự mình “kéo” doanh nghiệp về thôn bản được, muốn doanh nghiệp đầu tư vào đây thì cần có những chính sách ưu đãi cho họ. Mà điều đó phải được xử lý ở tầm mức cao, mang tính chính sách.

Từ câu chuyện phải tạo ra bước đột phá trong vùng đồng bào DTTS, cũng cần lưu ý phải gỡ bỏ những rào cản phát sinh ở khu vực này. Chúng tôi chỉ nói tới một việc, đó là nạn tín dụng đen.

Tới nay, nạn tín dụng đen đã tràn về khu vực đồng bào DTTS. Nhiều gia đình nguy khốn do dính vào tín dụng đen với tỉ lệ vay lãi cắt cổ. Sở dĩ nhiều người sập bẫy tín dụng đen là do thiếu vốn, phải “vay nóng” nhằm trang trải cho nhu cầu trước mắt để rồi lãi mẹ đẻ lãi con, phải bán cả nhà, cả vườn để trả nợ. Đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Không phải bà con không biết nguy cơ rình rập từ việc vay tín dụng đen, nhưng nhiều trường hợp đành nhắm mắt vay liều do quá cần kíp, trong khi thủ tục vay tiền từ ngân hàng lại phức tạp. Đặc biệt, việc thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng với người nghèo vùng DTTS là hết sức khó khăn, vì rằng tài sản của họ quá ít ỏi.

Nút thắt chính là ở chỗ đó. Nếu không có cơ chế tốt hơn cho người nghèo vùng DTTS vay vốn ngân hàng thì họ vẫn không có lực, và rất có thể lại phải tìm đến tín dụng đen. Mà như thế, bà con lại càng khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá cho vùng khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO