Đừng để “mù” luật

Hoàng Mai 20/07/2015 09:50

Hôm 18/7, trong buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII tại tổ đại biểu đơn vị bầu cử số 1 Đoàn ĐBQH Hà Nội, trong rất nhiều vấn đề được cử tri đề cập và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải đáp, làm rõ thêm có câu chuyện về xây dựng luật, thẩm tra luật mà QH và ĐBQH đóng vai trò rất quan trọng. Điều này nhận được nhiều sự quan tâm vì nhiều lẽ khác nhau. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hiểu luật, tôn trọng luật cũng là một yếu tố quan trọng trong đó. Cùng với việ

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội. (nguồn: baochinhphu.vn).

Tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII, QH đã biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự kiến đến năm 2016, Luật này sẽ chính thức đi vào cuộc sống. Trong số những luật được QH cho ý kiến và thông qua từ trước đến nay, Dự án luật này cũng khá quan trọng trong đời sống xã hội; bởi nó không chỉ quy định về thẩm quyền ban hành và hình thức ban hành mà còn nêu lên vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình xây dựng chương trình pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến, xem xét thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh cần quy định cụ thể hơn nội dung gì trong dự thảo luật... Nói tóm lại là nó quy định chi tiết, cụ thể để làm sao đưa các dự án luật đã được thông qua sớm đi vào cuộc sống. Để hạn chế tình trạng luật chờ nghị định, thông tư và văn bản hướng dẫn… vẫn thường thấy ở ta lâu nay.

Về vấn đề này, khi bàn về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã từng nêu ý kiến, đại ý: Cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo có đủ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành vào thời điểm văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực. “Đây là tình trạng được nói đến rất nhiều nhưng vẫn tồn tại bấy lâu nay.”- ông Cương nêu.

Cái tồn tại mà ĐB này nhắc đến chính là chuyện luật chờ nghị định; nghị định lại chờ thông tư… thành ra, ngay cả khi luật đã có hiệu lực vẫn chưa thể thi hành. Lại còn có cả chuyện, văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành quy định thêm hay mở rộng so với văn bản quy phạm pháp luật ở cả hai khía cạnh hoặc là trái luật hoặc là mở rộng hơn so với luật hiện hành.

Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đã nêu lên một thực tế, “trong thời gian qua cho thấy nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ và địa phương ban hành thủ tục hành chính tùy tiện, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Có loại thủ tục hành chính hợp pháp nhưng không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế kể cả những giấy phép con do các cơ quan quản lý tự quy định.” Từ đó, ĐB này đề nghị, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này cần tiếp tục hạn chế chủ thể có quyền đặt ra thủ tục hành chính theo hướng nên quy định cấm ban hành các thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật của cấp bộ trở xuống để đảm bảo tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013.

ĐB có đề nghị như vậy cũng là dễ hiểu; bởi ai cũng biết, thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thể hiện hồ sơ và yêu cầu; là điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân và tổ chức. Bản chất của thủ tục hành chính là sự tác động lớn đến quyền và nghĩa vụ của công dân, người dân và doanh nghiệp. Do vậy, cũng là dễ hiểu khi, ĐBQH và cử tri muốn việc ban hành thủ tục hành chính phải được quy định hết sức chặt chẽ, công khai minh bạch, có đánh giá tác động tham vấn ý kiến của công chúng và thẩm định. Nhưng như thế cũng không có nghĩa quy trình cần quá nhiều công đoạn kéo dài thời gian, không đáp ứng được yêu cầu nhanh, nhạy kịp thời đối với địa phương; sẽ gây nên sự chồng chéo và kéo dài thời gian không cần thiết.

Thực tế như đã trình bày ở trên, luật có nhưng văn bản dưới luật quy định chi tiết việc thi hành luật chưa có rõ ràng sẽ khiến cho luật chậm đi vào cuộc sống, gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Cũng vì thế mà Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã từng lưu ý cần rà soát lại quy trình thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định hợp lý hơn; và hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật cũng cần rõ hơn, cụ thể hơn… khi đề cập đến những vấn đề cần sửa đổi bổ sung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn trước khi được thông qua trong một phiên thảo luận hội trường, kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII vừa qua.

Còn một vấn đề khác rất được cử tri quan tâm; thậm chí đã được cử tri Nguyễn Đức Cử (phường Hàng Đào) nói tại cuộc tiếp xúc cử tri của đơn vị bầu cử số 1 hôm 18/7 như sau: Để luật đi vào cuộc sống cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật. Bởi, thực tế thời gian qua các cấp các ngành đã quan tâm nhưng việc tuyên truyền phổ biến pháp luật ở nông thôn còn hạn chế, nhiều khi người vi phạm mà không biết mình vi phạm pháp luật. Vì thế cần lựa chọn đối tượng tuyên truyền luật cho phù hợp.

“Quốc hội đã có kênh truyền hình do đó cần mở mục tuyên truyền phổ biến pháp luật, trả lời các câu hỏi của cử tri. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét mô hình tuyền truyền phổ biến pháp luật thế nào cho phù hợp. Ngay từ lúc xây dựng luật, Chính phủ cần xây dựng các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn để khi luật được Quốc hội thông qua thì có thể hướng dẫn thực hiện được ngay.”- ông Cử nói.

Trả lời cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng tình với nhận xét trên và cũng cho rằng, sắp tới cần tiếp tục quan tâm hơn nữa để chỉ đạo giám sát làm sao sớm đưa luật vào cuộc sống. “Đã có luật, nghị quyết thì phải triển khai đưa luật vào cuộc sống; nếu cần thì giáo dục tuyên truyền nhất là đối với thế hệ trẻ. Nói nôm na là hiện chúng ta còn mù luật nhiều lắm, vì luật đọc khó hiểu khô khan, nhiều nội dung nên không phải ai cũng hiểu, dù tuyên truyền nhưng không ăn thua. Ra nhiều luật nhưng luật không vào cuộc sống thì chả có ý nghĩa gì. Ví dụ, xử phải đúng luật, bắt người cũng phải đúng luật. Nên cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tình trạng mù luật trong bà con có lẽ chưa đến mức báo động đỏ; nhưng rõ ràng biết và hiểu luật nhiều khi còn làm sai luật. Nếu không biết, không hiểu hoặc không được nói cho đến hiểu thì làm sao thực hiện theo luật được. Rồi luật đã ra mà những quy định liên quan chưa ra thế thì có luật cũng như không! Vì thế, với sự ra đời của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rất hy vọng thời gian ngắn nữa thôi những hạn chế trong xây dựng luật và văn bản dưới luật sớm được khắc phục để người dân thông tỏ luật, làm theo luật hoặc chí ít cũng có luật làm căn cứ để chúng ta sống, làm việc theo luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để “mù” luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO