Dùng người tài

Thành Vĩnh 30/08/2016 09:10

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, chỉ 10% thủ khoa làm việc tại cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội. Trong khi thành phố đã đề ra nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân tài. Có nghĩa là 90% thủ khoa còn lại chọn con đường du học, làm việc cho công ty nước ngoài. Con số 10% lại khiến dư luận quan tâm sau cuộc Hà Nội tuyên dương thủ khoa, chứ, nó là việc không mới. Bởi vì từ chủ trương thu hút nhân tài đến cơ chế sử dụng nhân tài bấy lâu nay vẫn là một khoảng cách xa xôi.

Dùng người tài

Tuyên dương những thủ khoa xuất sắc.

Sẽ thật thuyết phục dư luận về việc trải thảm đỏ mời nhân tài, nếu cho đến thời điểm này có thể công khai danh tính các thủ khoa (hoặc người tài) đã được mời về làm việc, được hưởng chính sách đãi ngộ, được sử dụng như thế nào và hiệu quả làm việc đến đâu. Nếu bây giờ có một vài thủ khoa nào đó lên tiếng kể rằng họ đã được mời, được bố trí công việc ra sao, được phát huy tài năng thế nào và không gặp bất cứ trở ngại rườm rà nào của các quy định hành chính, quy chế quản lý hoặc lực cản để thể hiện năng lực… thì chắc chắn nhiều người tài sẽ mong muốn được vào làm việc trong các cơ quan đơn vị của Hà Nội nói riêng và ở các tỉnh thành khác trong cả nước.

Trong cơn bão thông tin hiện nay, người ta hầu như hiếm gặp có ai đó trong số những người tài người giỏi thán phục rằng ôi mình đã được trọng dụng và phát huy hết khả năng. 10% thủ khoa đang làm việc (theo số liệu của Hà Nội) nhưng sự thật là không ai biết cụ thể họ đã vào các cơ quan như thế nào và đang làm việc ra sao. Mà như thế khó có thể thuyết phục những người tiếp theo vào làm việc.

Cho nên trong vấn đề này, dù các thủ khoa có trả lời tế nhị là họ nhận được lời mời trọng dụng chậm hơn kế hoạch du học thì vẫn phải thấy sự thật là bản thân các cơ quan nhà nước đã sẵn lòng để sử dụng người giỏi chưa? Và có cơ chế để người giỏi phát huy khả năng của họ hay không?

Chuyện của Hà Nội chỉ là một ví dụ trong một câu chuyện lớn, luôn luôn thời sự. Trên thế giới này, lịch sử phát triển mỗi quốc gia đều cho thấy nhân tố con người quyết định sự thành bại. Nói về thuật dùng người tài, lịch sử Việt Nam còn ghi nhiều lại nhiều bài học. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước vững. Nhân tài như lá mùa thu. Nhưng có người tài rồi, trọng dụng thế nào, sử dụng thế nào cho đúng khả năng của người tài vào việc dân, việc nước lại là chuyện không dễ.

Sử sách còn ghi câu chuyện Tô Hiến Thành - vị đại thần phụ chính tài năng và đức độ cuối cùng của nhà Lý - trước khi lâm chung nhất định tiến cử quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá - người có thực tài - thay mình phụ chính nhà Vua, chứ không tiến cử quan tham tri chính sự Vũ Tán Đường - người mà trong thời gian quan đại thần phụ chính ốm nặng đã hết lòng hầu cận. Lý do được vị đại thần chính trực đưa ra là nếu cần một người giúp Vua trị nước thì cần Trần Trung Tá còn nếu cần một người hầu hạ phụng dưỡng thì mới cần Vũ Tán Đường.

Sử thần Ngô Sĩ Liên sau này có lời bình rằng: “Tô Hiến Thành nhận việc kí thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi có biến cố, tuy bị gió lay sóng dập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần ngày xưa. Huống chi, đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không hề vì ơn riêng. Thái hậu không dùng lời nói này của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.

Bài viết “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20/11/1946 được các nhà nghiên cứu gọi là “chiếu cầu tài”. Trong đó Người nêu rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”.

Tinh thần trong “chiếu cầu tài” của Bác là lý do để Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ quy tụ được toàn những người tài đức gánh vác việc dân việc nước, không phân biệt thành phần, đảng phái. Trong thành phần Chính phủ và Quốc hội đầu tiên, Bác trọng dụng nhiều trí thức có tên tuổi không đảng phái, hoặc thậm chí đảng phái không theo Việt Minh nhưng họ là người có tài, những trí thức lớn tiêu biểu. Mà không phải sử dụng vào vị trí bình thường, nhiều trí thức như thế giữ cương vị thứ, bộ trưởng. Luôn coi đội ngũ trí thức là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tầm vóc trọng dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục nhiều trí thức Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài trở về tham gia cách mạng. Rất nhiều bậc chí sĩ, trí thức tài cao đức trọng, các học giả, kể cả giáo sỹ, quan lại, khâm sai đại thần cho đến những ông Vua đã thoái vị như Bảo Đại đều được Bác Hồ thuyết phục, vận động tham gia chính quyền cách mạng.

Tính thuyết phục chỉ đến từ thực tâm và thực tế. Bác Hồ thực sự sử dụng người tài và đặt họ vào những trọng trách lớn. Đó chính là thực tế sống động để thuyết phục lòng người.

Việc ấy soi vào ngày nay thấy rất rõ, không chỉ sẽ thuyết phục được những thủ khoa, mà còn nhiều người giỏi người tài hơn nếu thực sự người ta nhìn vào những cơ quan nhà nước người tài đang được trọng dụng thế nào.

Theo PGS.TS Lê Mậu Hãn: “Phải thay đổi chính sách, đặc biệt đối với đội ngũ trí thức, sử dụng người như thế nào, điều kiện làm việc ra sao và chế độ chính sách thế nào để họ tập trung, tâm huyết làm. Trong điều kiện hiện nay, đội ngũ trí thức càng có vai trò quan trọng, với mục tiêu để chống và giữ chủ quyền, xây dựng kinh tế thị trường như thế nào để dân giàu”.

Chọn người tài và dùng người đúng việc, đâu hợp với vai một quan “phụ chính” và đâu là vai của người hết lòng phục vụ sự vụ. Chủ trương thì đã có, nhưng phải thấy sự chuyển biến từ thực tế, có hiện hữu và thể hiện sinh động trong thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dùng người tài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO