Gần dân, nghe dân

Hoài Vũ 18/07/2018 08:00

Dân là chủ và dân làm chủ là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta và đó cũng là mục tiêu mà toàn Đảng, toàn dân dày công xây dựng.

Gần dân, nghe dân

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tham luận. Ảnh: TTXVN.

Do đó việc “nắm bắt ngay từ cơ sở, giải quyết ngay từ cơ sở” được Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề cập tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cũng chính là hướng đến sự tăng cường trong đối thoại, lắng nghe dân trong quá trình giải quyết những sự việc phát sinh.

Cách đây hơn 20 năm, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 6-1997) đã ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh. 1 năm sau đó, Bộ Chính trị khoá VIII đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đáng chú ý, Chỉ thị 30 đã chỉ rõ những nội dung rất cụ thể cần chú trọng để các cơ quan nhà nước xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở như: Quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật; có quy chế và các hình thức để nhân dân, cán bộ, công chức ở cơ sở được bàn bạc và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác cán bộ của chính quyền, cơ quan, đơn vị; quy định về việc để nhân dân bàn và quyết định đối với những loại việc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn; hoàn thiện cơ chế để nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể giám sát hoạt động của chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; mở rộng hình thức tổ chức tự quản; tổ chức tốt việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và trả lời các kiến nghị, thắc mắc của dân. Bên cạnh đó, Chỉ thị còn yêu cầu xác định trách nhiệm của tổ chức chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ở cơ sở định kỳ báo cáo công việc trước dân; tự phê bình và tổ chức để nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức ở cơ sở phê bình, góp ý kiến đánh giá; nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp đó.

Gần đây nhất, năm 2016, Bộ Chính trị khoá XI đã ban hành Kết luận 120 về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó khẳng định, những giá trị của Chỉ thị 30 và yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện Chỉ thị một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tất cả các loại hình cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.

Quan điểm dựa vào dân, lắng nghe dân không phải đến nay mới được đề cao. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tư tưởng: “Dân là gốc” đã được cha ông ta coi trọng và trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đến nay tư tưởng này đã được Đảng ta tiếp thu, sáng tạo theo đúng bản sắc dân tộc mình. “Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên”; “cái gì dân muốn thì Trời cũng phải thuận theo”. “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “lật thuyền mới biết dân như nước”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng “lấy dân làm gốc”. Người yêu cầu các cán bộ phải hết sức thực hiện. Người nói rất giản dị nhưng đó lại chính là kim chỉ nam trong mỗi hành động của Ðảng, của chính quyền, của các cấp cán bộ: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”; “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Và Người cũng đã nhiều lần khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân”; “cán bộ, đảng viên là công bộc của dân”.

Nhắc lại như vậy để thấy lắng nghe ý dân hay phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, nghe dân góp ý là một vấn đề rất quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một khâu quan trọng khi mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều được thực hiện từ cơ sở đến trung ương. Cơ sở là nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chỉ ra “5 kết quả lớn” đạt được từ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở mà tựu trung, qua đó đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả.

Sao cho được lòng dân là câu hỏi xuyên suốt cả hệ thống chính trị đặt ra đối với một Nhà nước lấy dân làm gốc, để những phản ánh, kiến nghị của nhân dân được thực sự lắng nghe. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Do đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, để nâng cao hơn nữa việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cần tổ chức các hình thức tiếp xúc, đối thoại, nắm bắt diễn biến, tình hình trong nhân dân, phản ánh kịp thời với cấp ủy Đảng và chính quyền; phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; phối hợp xử lý kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở, và không để tồn đọng kéo dài. Nắm bắt ngay từ cơ sở, giải quyết ngay từ cơ sở để không còn điểm nóng được Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu tâm đến cũng chính là đối thoại, lắng nghe dân trong quá trình giải quyết sự việc.

Không phải là ngẫu nhiên, trong phát biểu của mình, ngay tại Hội nghị kể trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu, phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục tại từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, giúp nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình, tự giác thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và quyền dân chủ trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật. “Ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải ra sức tuyên truyền, vận động, giải thích, hoặc biết chờ đợi dân, không gò ép áp đặt một cách thô bạo”-Tổng Bí thư nêu rõ.

Nhưng muốn làm được như vậy, theo Tổng Bí thư, dứt khoát phải nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần dân, nghe dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO