Giải quyết tố cáo

Hoàng Mai 31/05/2017 09:35

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sáng 29/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Tố cáo nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập. Dự luật Tố cáo đã được thông qua tại QH khóa XIII, tới nay cho thấy một số điểm cần được chỉnh lý, bổ sung và sửa chữa cho phù hợp hơn với thực tiễn quá trình phát triển. Có một điểm được tranh luận khá sôi nổi, đó là có nên chấp nhận tố cáo nặc danh hay không?

Trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) tại nghị trường, ngày 29/5, dù đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định vẫn cho biết, ý kiến của Thường trực Ủy ban nhận định: Do thời gian chuẩn bị không dài, Dự án Luật có những nội dung quy định còn đơn giản, sơ lược, như: Quy định về rút tố cáo; về tạm đình chỉ, đình chỉ; điều kiện, cơ chế bảo vệ người tố cáo; về sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết tố cáo... nên cần bổ sung, chỉnh lý thêm.

Theo như thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật được nêu tại phiên toàn thể hôm 29/5 thì vẫn còn có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quan điểm của Chính phủ thể hiện trong Dự án Luật là chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp.

Loại ý kiến thứ hai, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Và, “đa số ý kiến tán thành với Dự thảo Luật là không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh. Vì tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật”- ông Định nhấn mạnh.

Cái lý mà cơ quan thẩm tra đưa ra khi bày tỏ sự đồng tình với cơ quan soạn thảo chính là: Nếu quy định tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của nhà nước, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan, sai sự thật...

Tuy nhiên, một số ý kiến nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng Luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng cần nhắc lại, tại một phiên họp của TVQH vào tháng 3 vừa qua, nhiều ủy viên của UBTVQH cũng đã đưa ra những lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình liên quan đến quy định có chấp nhận tố cáo nặc danh hay không? Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho rằng, fax, điện thoại, email, và tố cáo nặc danh cần được xem xét vì trong điều xã hội hiện nay không phải ai cũng dám ghi tên đứng ra tố cáo hành vi vi phạm, nhất là tố cáo hành vi vi phạm của cấp trên.

Dẫn lại vụ việc của Trường Nam Trung Yên để thấy không phải giáo viên nào cũng sẵn lòng đứng ra tố cáo cấp trên. Vì thế, theo ông Bình, nếu chúng ta bỏ tố cáo nặc danh thì sẽ mất thông tin. Do đó khi tiếp nhận thông tin thì phải sàng lọc, vì tố nặc danh nhưng lại có gửi kèm cả bằng chứng cho nên “bước lọc” rất quan trọng trong tiếp nhận và xử lý thông tin.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: “Nếu không bảo vệ được quyền lợi của người tố cáo thì họ sẽ không dám tố cáo. Phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo thì họ mới dám tố cáo chính danh, chứ không bảo vệ được họ thì họ chỉ dám tố cáo nặc danh, nhất là liên quan đến người thân thích của họ”.

Thực ra, ở đây có tí “chéo ngoeo” giữa hai dự luật phòng chống tham nhũng và tố cáo. Bởi, Luật Tố cáo thì bó vào còn Luật Phòng, chống tham nhũng lại mở các hình thức tố cáo khác nhau như một biện pháp nhằm không bỏ sót tố cáo tham nhũng. Vậy thì, việc không chấp nhận tố cáo nặc danh liệu có phải là do cơ quan soạn thảo e ngại về năng lực xử lý của chính mình.

Nếu đúng thế, quả cũng có tiếc nuối cho quá trình đấu tranh chống tham nhũng hiện nay của Đảng. Nói thế bởi lẽ, những đơn nặc danh đa phần là tố cáo người đứng đầu, người giữ trọng trách quan trọng. Mà đã tố cáo nặc danh tức là người ta lo ngại bị trả thù; lo ngại việc không thể bảo vệ chính mình trước khi cơ quan chức năng điều tra rõ chân tướng sự việc và có biện pháp bảo vệ nhân chứng. Thế nên việc không chấp nhận hoàn toàn tố cáo nặc danh e cũng không hoàn toàn là cách hay.

Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân tố cáo trực tiếp, qua điện thoại, hay qua các phương tiện thông tin điện tử. Chúng ta cũng đang hướng tới xây dựng một chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành quản lý nhà nước.

Nếu Luật này mà không mở ra hình thức khác để người dân sử dụng thì cũng chưa đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên mở ra cũng phải theo quy định của pháp luật, tức là nội dung tố cáo phải gửi đúng người, đúng cơ quan giải quyết chứ không phải gửi lung tung đến hàng trăm cơ quan.

Và Chủ tịch Quốc hội nói thêm về kinh nghiệm bản thân, “bao giờ tôi nhận được đơn nặc danh cũng ghi vào đó là đơn nặc danh nhưng cần xem xét để chú ý trong quản lý như tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, rồi nhắc nhở lãnh đạo nơi đó phải kiểm tra xem có hay không? Người ta chỉ cho mình mà mình “vứt vào sọt rác” là chưa làm hết trách nhiệm. Khi có nguồn thông tin thì thủ trưởng đơn vị đó phải chú ý hơn trong thanh tra kiểm tra tại đơn vị mình, ngay cả khi họ nói mình thì bản thân mình cũng tự xem xét lại mình xem có sai hay không?”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, nếu đơn nặc danh mà có chứng cứ rõ ràng cũng rất cần được kiểm tra, xác minh chứ không nên “vứt sọt rác”- như thế mới góp phần làm tốt công tác giám sát của nhân dân với cơ quan, tổ chức và cá nhân; mới góp phần giúp nhân dân tăng cường tố giác tội phạm đem lại môi trường sống, môi trường làm việc an toàn, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết tố cáo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO