Giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân

Lê Ái 29/04/2020 07:30

Nghị quyết số 42/NQ-CP; Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn cho đại dịch Covid-19. Cụ thể trong đó là gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng.

Giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân

Người dân ở xã Nhân Thịnh, Lý Nhân, Hà Nam nhận tiền hỗ trợ trong đợt đầu tiên. Ảnh: Dương Hưng.

Có thể nói gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ ra đời chưa có trong tiền lệ, được xem như là phao cứu sinh đối với người gặp khó khăn do dịch Covid-19. Nhưng hiện nay, việc triển khai ở cấp cơ sở còn lúng túng, cần thêm hướng dẫn từ cấp bộ, ngành liên quan, để gói hỗ trợ sớm đến tay người dân.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc Triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ LĐTBXH tổ chức, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng, việc xác định đối tượng, điều kiện tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục, cần thực hiện đúng theo Quyết định 15, tức là không ban hành thêm thủ tục hành chính giấy tờ khác.

Để chính sách “ không lòng vòng”, ông Đào Ngọc Dung khẳng định việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng khi triển khai gói hỗ trợ này đừng để “dê nhầm nhà, gà đi lạc”, và đặc biệt “đừng để ai phải bị xử lý về Đảng, chính quyền và chịu các hình thức kỷ luật khác”, vì “động” đến đây sẽ là nỗi nhục suốt đời đối với họ.

Lo lắng này không phải là không có cơ sở, bởi vì đã có rất nhiều bài học đau xót từ những trường hợp cán bộ trục lợi chính sách, ăn bớt tiền của người nghèo, người được hưởng chính sách. Chính vì vậy, để góp phần đưa chính sách này vào cuộc sống, Mặt trận sẽ thực thi trách nhiệm giám sát của mình xung quanh 8 nội dung.

Giám sát của Mặt trận là công việc thường kỳ, được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam, được thực hiện hằng năm. Tuy nhiên, giám sát chuyên đề là một hình thức giám sát hết sức quan trọng trong từng giai đoạn như việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Lâu nay công tác phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ LĐTBXH được duy trì đều đặn, hằng năm, trong đó có những chương trình giám sát lớn như Chương trình phối hợp Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015.

Đây cũng là một việc chưa từng có trong tiền lệ, vì là lần đầu tiên kể từ năm 1954, Việt Nam mới tiến hành tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Do vậy, Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công là một chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ, giúp cho việc thực hiện các chính sách chế độ ưu đãi đối với người có công được đầy đủ, công bằng, qua đó thấy được những thiếu sót, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách để có biện pháp khắc phục. Chương trình được triển khai một cách nghiêm túc, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng kế hoạch, đúng tiến độ đã cho thấy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ngành LĐTBXH trong việc chăm lo chính sách cho người có công và cũng cho thấy vai trò quan trọng của Mặt trận thông qua giám sát.

Giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân. Nhân dân chính là tai mắt soi chiếu những hành vi tiêu cực, tham nhũng. MTTQ và các đoàn thể với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân luôn có vai trò tích cực trong việc tham gia phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách ngay từ cơ sở.

Chia sẻ về kinh nghiệm rút ra từ Chương trình phối hợp Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng vì ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh.

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam cũng chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định.

Do vậy để chính sách kịp thời đến đúng đối tượng, không để xảy ra trường hợp nào có tiêu cực trong thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã nêu cao trách nhiệm của MTTQ, ngành LĐTBXH, các sở, ngành, chính quyền các cấp trước hết phải: “Phối hợp chặt chẽ -Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng -Triển khai bài bản - Kết quả công khai”.

Trên tinh thần đó, MTTQ các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ cũng như công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực tế cho thấy, việc triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một mệnh lệnh chính trị từ một chủ trương đúng đắn và đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhưng để thực hiện được nhiệm vụ này, người đứng đầu hai cơ quan tổ chức phối hợp là UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ LĐTBXH đều mong mỏi, trách nhiệm của những người tham gia còn phải được hối thúc từ “mệnh lệnh của trái tim”.

Chỉ có như vậy, chính sách mới thực sự đến với người dân, mà nhất lại là người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO