Giám sát thực phẩm học đường

Minh Quang 05/12/2018 09:00

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng bữa ăn học đường đang là mối quan tâm lớn của các bậc phụ huynh có con theo học bán trú. Vậy thức ăn, nước uống của học sinh ở trường được giám sát ra sao? Dường như đây chỉ là vấn đề được đặt ra mỗi khi có vụ ngộ độc thức ăn xảy ra ở nơi này, nơi kia. Trong khi theo các chuyên gia về dinh dưỡng, vai trò của phụ huynh trong việc tham gia chuẩn bị bữa ăn cho con, cũng như giám sát bữa ăn học đường là vô cùng quan trọng.

Giám sát thực phẩm học đường

Bữa ăn bán trú rất quan trọng với học sinh tiểu học.

Trước những vụ ngộ độc thực phẩm học đường liên tiếp xảy ra từ đầu năm học 2018-2019 đến nay, mới đây ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp. Đặc biệt là nâng cao và gắn trách nhiệm của Ban giám hiệu, của phụ huynh trong việc giám sát an toàn thực phẩm trong nhà trường. Đáng lưu ý là trách nhiệm của các doanh nghiệp, các nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm trong các bếp ăn trường học.

Tất nhiên, không phải cho đến bây giờ, việc giám sát an toàn thực phẩm vào trường học với sự tham gia của ban phụ huynh mới được đặt ra. Nhưng theo phản ánh của nhiều phụ huynh, họ thật khó mà xâm nhập bếp ăn tập thể của các trường. Thậm chí, phải có lý do rất đột xuất như đón con về buổi trưa thì mới có cớ để quan sát bữa ăn của các con. Những buổi kiểm tra bữa ăn học đường có thành phần là phụ huynh được tham dự, hoặc để truyền thông ghi hình, thường được nhà trường bố trí, chuẩn bị trước.

Như vậy việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường hiện nay vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. Trong khi vấn đề đặt ra ở đây là giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không, có đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình học sinh hay không. Và điều đáng nói là việc ăn bán trú ở các trường hiện chỉ phục vụ nhu cầu tự nguyện của phụ huynh, nên chưa có sự đầu tư chuyên nghiệp, thiếu cán bộ có chuyên môn.

Theo tìm hiểu của các phụ huynh, so với các suất ăn cho các công ty, xí nghiệp với lượng thực phẩm cung cấp có nguồn gốc đa dạng, rất khó kiểm soát về chất lượng vệ sinh và dinh dưỡng, thì bữa ăn học đường có thể dễ dàng giám sát hơn cả ở khâu cung cấp và chế biến thực phẩm. Lẽ ra, nếu việc kiểm tra bữa ăn học đường được tiến hành thường xuyên, ban đại diện cha mẹ học sinh có thể luân phiên nhau cử người tham gia giám sát các khâu (từ nhập nguyên liệu đầu vào đến chế biến, chia suất ăn…). Nhưng không phải trường nào cũng có cơ chế “mở” với phụ huynh...

Liên quan đến dinh dưỡng học đường hiện nay, với giá thành trung bình từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/ bữa ăn trưa, chất lượng bữa ăn cho trẻ em ở các trường học tại Hà Nội đã được cải thiện và nâng lên, nhưng rõ ràng bữa ăn của các em vẫn bị thả nổi. Theo quan sát, nhiều trường chưa chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm học đường. Chẳng hạn quy trình một chiều để đảm bảo vệ sinh, việc lưu mẫu làm thế nào. Nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra nhưng khi kiểm tra mẫu lưu thì không có.

Theo các chuyên gia y tế, an toàn thực phẩm học đường nếu không được quan tâm đúng mức, để gây ra ngộ độc sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến trẻ em sau này. Vì vậy, rất cần sự chủ động quan tâm hơn từ chính phụ huynh đến chế độ dinh dưỡng của con em mình. Lẽ ra trong những buổi họp phụ huynh đầu năm, thay vì rôm rả bàn chuyện đóng quỹ lớp, họ nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, với ban giám hiệu về quyền được thiết kế, lên thực đơn bữa ăn hàng ngày cho con; được quyền đề xuất về các loại nước uống tinh khiết đảm bảo cho sức khỏe của trẻ em; đề xuất về việc công khai thực đơn bữa ăn mỗi ngày lên trang website của nhà trường để hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phụ huynh cùng theo dõi khi có điều kiện. Đằng này, mỗi ngày đưa con tới trường, hiện nhiều ông bố bà mẹ không hề biết con mình hôm nay được ăn gì, khẩu phần rau- thịt trong mỗi suất ăn ra sao….

Vì lẽ đó, cần một cơ chế thống nhất giữa các nhà trường và đại diện hội phụ huynh để cha mẹ các em có thể theo dõi, giám sát được bữa ăn hàng ngày của con em mình bất kể lúc nào mà không cần phải báo trước. Nếu làm đúng cam kết, tổ chức minh bạch, công khai, thì cần khuyến khích phụ huynh giám sát - tại sao không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát thực phẩm học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO