Giữ bình yên cho dân

Việt Thắng 17/05/2017 08:00

“An ninh trật tự xấu, kéo dài thì Bí thư, Chủ tịch ở cơ sở đó, địa phương đó, trưởng công an ở đó phải chịu trách nhiệm theo tinh thần Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị. Mình phải nêu trách nhiệm cá nhân chứ trách nhiệm chung chung thì sao được”- Đó là “thông điệp” một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định khi chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 địa phương về tình hình an ninh trật tự. Người chịu trách nhiệm đã được Thủ tướng chỉ tên chính là các Bí thư, Chủ tịch tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc "Họp trực tuyến với các địa phương về vấn đề an ninh trật tự", ngày 16/5. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

An ninh trật tự là vấn đề trọng yếu của mỗi quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo tiền đề để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Quý I-2017, lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc đã điều tra, khám phá 10.251 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 22.708 đối tượng, đạt tỷ lệ 80,31% (cao hơn 0,67% so với cùng kỳ năm 2016 và 0,68% so với cùng quý trước), triệt phá 421 băng, nhóm tội phạm các loại, bắt giữ xử lý 2.694 đối tượng.

Nhưng hiện nay trong cuộc sống người dân đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo.Từ tội phạm ngày càng lộng hành, số vụ chống người thi hành công vụ, tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ, tội phạm ma túy, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng; cho đến những nỗi lo hiện hữu từ cát tặc, lâm lặc, sự biến tướng của bán hàng đa cấp đang đe dọa cuộc sống an lành của người dân.

Sự phát triển mạnh mẽ của internet phần nào là “mảnh đất” để các thế lực thù địch không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước ta. Phát biểu ngay khi khai mạc Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh mà đặc biệt các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm một xã hội công bằng, minh bạch, một xã hội thượng tôn pháp luật, một xã hội không có tội phạm đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân. Trong kinh tế thị trường, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, một trách nhiệm rất lớn đối với các lực lượng chức năng”.

Dẫu là hai vấn đề khác nhau nhưng nguyên nhân về tình hình an ninh trật tự xã hội đã có một “mẫu số chung”. Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan là do công tác nắm dân, vận động dân, đặc biệt là nắm tình hình còn bị động, lúng túng.

Một số trường hợp chưa phối hợp tốt, còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện nghiêm pháp luật. Chưa chủ động nghiên cứu các vấn đề xã hội để xử lý một cách khoa học.

Tất cả phải đề cao trách nhiệm cá nhân của từng đồng chí phụ trách lĩnh vực, các ngành, địa phương để bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. Cùng lúc, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kinh tế-xã hội năm 2017, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-an ninh Võ Trọng Việt đã chỉ ra hạn chế yếu kém nhất chính là quản lý xã hội.

Cát tặc làm cho cả làng xóm bị sụp nhưng không quản lý được. “Rừng giờ nhiều đại ca nhưng ít đại gia” cũng là lời được chính ông từng nhắc đến khi cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) diễn ra trong tháng 3 vừa rồi. Mà nguyên nhân theo ông, vừa rồi chúng ta quyết tâm quy trách nhiệm người đứng đầu nhưng không xử lý được ai cho nên “nhờn”.

Quy trách nhiệm chưa làm đến nơi đến chốn cho nên phải tăng cường tính kỷ cương. Ông nói: “Đừng để cán bộ phường xã là đội ngũ lý trưởng, cường hào ở địa phương. Đa số cán bộ của ta là tốt nhưng bên cạnh đó có một bộ phận quan liêu. Đi cơ sở mới thấy dân khổ thế nào?”.

Một nỗi lo chung như “mẫu số chung” đã được cả Chính phủ và Quốc hội nhìn nhận ra. Đó là sự chủ quan, chưa làm hết trách nhiệm, có phần buông lỏng của người đứng đầu chính quyền địa phương, cá biệt tại một số nơi, có tình trạng cán bộ chức năng còn bảo kê cho tội phạm đang làm suy giảm đi lòng tin của người dân vào hệ thống chính trị trái với tinh thần Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị khẳng định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã nêu rõ, mọi nhiệm vụ, mọi hoạt động đều phải gắn với yêu cầu giữ an ninh trật tự. Kế hoạch gì, hành động gì mà có nguy cơ dẫn tới bất ổn thì cần hết sức thận trọng, phải tính toán kỹ lưỡng, có giải pháp để không ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Phải mở đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh trật tự.

Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh phải chỉ đạo quyết liệt bảo đảm an ninh trật tự. “Chủ tịch các tỉnh đã đối thoại với dân chưa, đã lắng nghe dân để giải quyết thấu tình, đạt lý chưa, đã đi sát, kiểm tra kết luận của mình đúng sai ra sao”-lời nói thẳng thắn của Thủ tướng đã nhấn mạnh đến tinh thần “4 tại chỗ”, giải quyết các vấn đề, vụ việc ngay ở địa phương, ở cấp cơ sở. Mọi phát sinh đều bắt đầu từ cơ sở, nếu cơ sở giải quyết tốt sẽ không trở thành những điểm nóng.

Từ thời Lê Thánh Tông, để đảm bảo cuộc sống bình yên cho dân chúng, Nhà Vua đã ấn định nơi nào tội phạm xảy ra trách nhiệm đầu tiên là thuộc về người đứng đầu làng xã nơi đó.

Là người thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật đã ban hành, một lần ông đã thu lại quyền chỉ huy của Tổng quân đô đốc Lê Thiệt vì con trai Lê Thiệt là Bá Đạt phóng ngựa trên đường phố giữa ban ngày và dung túng gia nô đánh người, bởi theo vị Vua này “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo”.

Do đó, việc rà soát lại việc triển khai các dự án liên quan đến thu hồi đất, có chuyên đề giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu kiện khi mới phát sinh, làm sao bảo đảm lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân, không để các phần tử xấu kích động, lôi kéo, xuyên tạc, chống phá, giải quyết khiếu kiện đất đai phải có lý, có tình, vận động thuyết phục chính là hành động đầu tiên vào lúc này.

Ngoài sự nêu gương, chịu trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương thì bài học gần dân, bám dân, dựa vào dân cũng là điều được Thủ tướng nhắc đến nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm.

Và mới đây khi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến “Nhà nước mà xa dân là vứt, dân là gốc, dân biết hết vì khó vạn lần dân liệu cũng xong. Để xảy ra như vừa rồi là xa dân không nắm được dân để đối tượng xấu lợi dụng kích động”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ bình yên cho dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO