Gỡ nút thắt phân cấp

Chu Ninh 18/08/2015 09:35

Đóng góp ý kiến cho TP Hồ Chí Minh về chiến lược phát triển, mới đây nhiều lãnh đạo các cơ quan Trung ương chia sẻ, bất cập “chiếc áo quá chật” đối với thành phố này . Yêu cầu đột phá phát triển nhanh, bền vững vẫn vấp phải những trở lực từ cơ chế chính sách, trong đó phân cấp quản lý chính là nút thắt cần tháo gỡ.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

TP.Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi chiếm 20% dân số, 9,2% diện tích tự nhiên của cả nước nhưng thu ngân sách và kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 64%, tạo ra gần 40% GDP quốc gia.

Tiềm lực của TP.Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thể hiện sự vượt trội so với các địa phương còn lại của cả nước. Trong thời gian tới, nơi đây sẽ là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới khi Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại.

Tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm cần được khơi dậy đúng tầm bằng sự phân cấp đủ mạnh của Trung ương mới có thể tăng cường sự chủ động, sáng tạo, phát huy đúng mức vai trò dẫn dắt và thúc đẩy nền kinh tế cả nước trong tiến trình hội nhập với những cơ hội và thách thức được dự báo là gay gắt chưa từng có.

Phải thấy rằng bức xúc của TP Hồ Chí Minh cũng là trăn trở chung của cả nước. Nhiều năm qua, hiện tượng “xé rào” của rất nhiều tỉnh thành trong việc ban hành các quy định về khuyến khích đầu tư, thực hiện chính sách thuế, thậm chí cả về xử lý vi phạm hành chính, ... đã chứng tỏ “chiếc áo” được Trung ương cấp đã trở nên quá chật chội, hoặc không rõ ràng về kích cỡ cho nhiều địa phương.

Trên thực tế, trong hai thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã luôn có chủ trương đẩy mạnh phân cấp quản lý, phát huy dân chủ và sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý, tăng cường quyền chủ động cho địa phương trong điều kiện bảo đảm sự quản lý thống nhất cả nước. Tuy nhiên, để chủ trương chính sách hiện thực hóa vào cuộc sống một cách hợp lý vẫn là bài toán nan giải.

Quá trình thể chế hóa chủ trương Đảng và Nhà nước đã ra đời một loạt văn bản pháp lý, như: Pháp lệnh Thủ đô năm 1999, Nghị định 93 năm 2001, Nghị quyết của Chính phủ (số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004) về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Luật Ngân sách 2002, Luật Đất đai 2003, Luật Đầu tư 2005, ...

Thực tiễn cho thấy trên cả ba lĩnh vực: phân cấp đầu tư, phân cấp quản lý đất đai, phân cấp ngân sách đều xuất hiện những bất cập, hệ lụy nhức nhối. Trong đó, biểu hiện của cơ chế xin – cho là ví dụ điển hình của căn bệnh thiếu rạch ròi, hợp lý trong sử dụng quyền lực công. Các văn bản pháp lý như Pháp lệnh Thủ đô, Nghị định (số 93/2001) phân cấp cho TP Hồ Chí Minh một số lĩnh vực thực ra chỉ là việc trao cho hai địa phương này một số quyền quản lý lĩnh vực chỉ mang tính chất thí điểm. Các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước chưa có được một quy chế phân cấp phù hợp với đặc điểm làm hạt nhân của khu vực và đầu tàu cho cả nước.

Gần đây, TP Hồ Chí Minh trình Chính phủ, Bộ Chính trị mô hình chính quyền đô thị, xin tổ chức thí điểm được trao quyền chủ động thực hiện chế độ thủ trưởng đối với cơ quan hành chính. Thành ủy Đà Nẵng cũng mạnh dạn đề ra chủ trương xin tổ chức thí điểm dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố; Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm Chủ tịch UBND quận, huyện; Chủ tịch UBND quận, huyện bổ nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã.

Đó là những ý tưởng đột phá mới, hệ trọng dù đang cần được cấp có thẩm quyền ở Trung ương nghiên cứu xem xét, thấu đáo. Nhưng điều đó càng chứng tỏ việc phân cấp quản lý phù hợp giữa Trung ương và địa phương, nhất là đối với những tâm điểm đặc thù khu vực đang đặt ra cấp bách.

Phân cấp mạnh gắn liền nguyên tắc kết hợp với giám sát và vai trò điều phối, để vừa phát huy tính chủ động nhưng đồng thời tránh hạn chế vì lợi ích cục bộ. Mỗi tỉnh thành là một nền kinh tế độc lập với những khát vọng phát triển chính đáng của địa phương mình, nên rất cần thiết kế mối liên kết hữu cơ, thống nhất với khu vực và cả nước, chứ không phải mạnh ai nấy làm. Và, TP Hồ Chí Minh vẫn đang được kỳ vọng là nơi có vị trí thuận lợi, đủ tiềm lực đóng vai trò liên kết và điều phối khu vực phía Nam.

Cũng như ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vừa mới đề nghị: “TP Hồ Chí Minh phải chăng là một đặc khu kinh tế có một thể chế riêng, thành phố nên bổ sung vấn đề này vào các chương trình phát triển của thành phố, đề xuất những cơ chế vượt trội và phù hợp. Sự vượt trội và phù hợp ở đây không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà chính là cho cả nước”.

Tất cả những điều này nói lên sự cần thiết khách quan, cấp bách phải đổi mới thật sự chính quyền địa phương và phân cấp quản lý. Việc đổi mới phải kiên quyết, phải có căn cứ pháp lý vững chắc, thực hiện phải đồng bộ, toàn diện và triệt để. Phân cấp quản lý rành mạch, phù hợp là điều kiện để tránh hiện tượng các địa phương tùy tiện tự quyết định đi ngược với pháp luật quốc gia, đồng thời phát huy ưu thế đặc thù của riêng mình.

Đây là vấn đề đang đặt ra những thách thức cho công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn mới, để guồng máy quản trị quốc gia vận hành trôi chảy - kéo theo sự tăng tốc phù hợp với tiềm lực của mỗi một bộ phận cấu thành.

Trong đó, chiếc áo khung khổ pháp lý về cơ chế quản lý của TP Hồ Chí Minh sớm được mạnh dạn thiết kế lại phù hợp, sẽ tạo động lực không chỉ cho riêng nền kinh tế đầu tàu phía Nam mà còn phát huy vai trò điều phối, lan tỏa chuyển động toàn khu vực và cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ nút thắt phân cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO