Gỡ rào cản để hội nhập

Duy Khang 09/01/2020 06:40

Năm 2019 tiếp tục chứng kiến xu thế gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại quốc tế, đặc biệt xung đột thương mại Mỹ -Trung leo thang càng khiến các biện pháp bảo hộ lan rộng. Trong xu thế này, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, và chống lẩn tránh đã và đang được các nước áp dụng với số lượng, phạm vi ngày càng lớn và lan rộng.

Gỡ rào cản để hội nhập

Kiểm tra trái thanh long chuẩn bị xuất khẩu Anh: Vietnam Plus.

Gỡ rào cản để hội nhập

Năm 2019 tiếp tục chứng kiến xu thế gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại quốc tế, đặc biệt xung đột thương mại Mỹ -Trung leo thang càng khiến các biện pháp bảo hộ lan rộng. Trong xu thế này, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, và chống lẩn tránh đã và đang được các nước áp dụng với số lượng, phạm vi ngày càng lớn và lan rộng.

Giới chuyên gia nhận định, xu hướng PVTM là tất yếu bởi đó là cách các quốc gia bảo hộ sản xuất trong nước trong bối cảnh các nền kinh tế ngày càng mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng. Cùng với việc gia tăng các biện pháp PVTM, các nước cũng tích cực giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu sau khi biện pháp được áp dụng để phát hiện các hành vi lẩn tránh, trong đó có gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, dịch chuyển sản xuất, đầu tư. Động thái này, đương nhiên có những tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Lẩn tránh biện pháp PVTM có thể hiểu là hành vi thay đổi nguồn gốc hàng hóa để được hưởng thuế suất thấp. Các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra “lẩn tránh thuế” đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là trường hợp hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM được chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế PVTM; hàng hóa lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan…

Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho biết, tính đến hết tháng 12/ 2019, có tới 20 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Đáng tiếc là, hầu hết các vụ đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh để rồi cuối cùng hàng hóa của chúng ta bị áp dụng biện pháp PVTM. Trong số những ngành hàng thường bị nước ngoài “soi” mạnh nhất, phải kể đến mặt hàng thép với 6 vụ, chiếm tỷ lệ 30%. Hầu hết, các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Hoa Kỳ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc. Gần đây nhất, tháng 12 năm 2019, Hoa Kỳ đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với thép CORE, CRS với cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Trong tất cả các vụ việc nói trên, Hoa Kỳ đều kết luận thép của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ là lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại Hoa Kỳ đang áp dụng do mức độ đầu tư; chuyển đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm thép này tại Việt Nam là không đáng kể. Tuy nhiên, theo quan điểm của Hoa Kỳ, mục tiêu áp thuế chống lẩn tránh không phải là thép của Việt Nam mà để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng…

Nêu lên trường hợp cụ thể về sản phẩm thép của Việt Nam để thấy rõ, càng ngày, hàng hóa của chúng ta càng gặp nhiều khó khăn, rào cản tại các thị trường quốc tế.

Và việc hàng hóa của chúng ta bị “đội lốt”, nhái xuất xứ để xuất khẩu, thậm chí giả xuất xứ để tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa…nếu không được ngăn chặn sẽ khiến thế giới có cái nhìn khác về hàng hóa của chúng ta. Khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính sẽ trở thành nạn nhân của thực trạng này khi không còn đảm bảo uy tín trên trường quốc tế. Thực tế này cho thấy, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng đặt ra vô vàn những rào cản, thách thức. Điều đáng nói, nguy cơ hàng hóa xuất khẩu bị điều tra về gian lận xuất xứ, lẩn tránh lại có dấu hiệu gia tăng đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của ta như Hoa Kỳ, EU, Canada…Bởi vậy, không còn sớm nữa, thời điểm này các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho mình những “hành trang hội nhập” để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra khi đưa hàng sang các thị trường khó tính nói trên. Một trong những yếu tố quan trọng được giới chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp, đó là, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Thực tiễn cho thấy, những hành vi này bị phát hiện, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Đây là yếu tố quan trọng nhất, bởi chính bản thân mỗi doanh nghiệp có thể tự chủ được việc có tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ hay không.

Ngoài ra, sự chủ động của doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin là rất cần thiết. Thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước.

Có thể thấy, khi hội nhập, doanh nghiệp phải đối diện với các rào cản bảo hộ sản xuất, các công cụ phòng vệ thương mại là không thể tránh khỏi. Song, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể nâng sức cạnh tranh, khẳng định nội lực của mình. Vì môi trường hội nhập, sân chơi toàn cầu khắc nghiệt sẽ không có chỗ cho những doanh nghiệp làm ăn gian dối với tư duy ăn xổi và năng lực yếu.

Bộ Công thương khuyến cáo, thời gian qua, các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn. Trong nhiều trường hợp, cơ quan điều tra (như Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ) có thể chủ động điều tra mà không công bố công khai. Quy định về “chuyển đổi đáng kể” hay yêu cầu “hợp tác”, “cung cấp thông tin” cũng có thể thay đổi qua từng vụ việc, do đó các doanh nghiệp cần tìm hiểu để kịp thời nắm bắt các thay đổi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rào cản để hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO