Gỡ rào cản thủ tục

Hoàng Mai 30/06/2015 13:39

Ngay tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII vừa kết thúc hôm cuối tuần trước, khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và đề ra những giải pháp cho chặng đường tiếp theo; mà trong ngắn hạn chính là chặng đường 6 tháng cuối năm, nhiều ĐBQH đã thẳng thắn đánh giá việc cải thiện môi trường đầu tư và cải cách hành chính của chúng ta là một chủ trương đúng nhưng dường như vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Vấn đề này một lần nữa lại được đề cập trong phiên họp Chính phủ tháng 6, diễn ra vào hôm qua (29

Lần này, khi đề cập đến việc cải cách thủ tục nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ (ra đời cách đây 3 tháng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải đưa ra nhận xét: Có tỉnh chưa biết là nghị quyết gì. Có tỉnh chưa triển khai gì hết.

3 tháng chẳng phải là một thời gian dài nhưng có lẽ nó cũng gần đủ cho vòng đời sinh trưởng của cây lúa; tức là nếu triển khai nhanh, những định hướng cho kinh doanh rất có thể sẽ giúp giải bài toán “được mùa rớt giá”, sẽ không khiến người nông dân buồn. Còn thì, Nghị quyết 19 là gì!? Vì sao nó lại chậm được triển khai. Nhớ lại hồi tháng 3 năm 2015 khi mới ra đời (ở đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu rõ, có 2 Nghị quyết 19. Một ban hành vào năm 2014. Một Nghị quyết khác ban hành vào tháng 3 vừa rồi), Nghị quyết được đánh giá là giải pháp để chúng ta cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế nước nhà trong điều kiện, vào cuối năm nay, chúng ta sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Mục tiêu tổng quan và chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra khi Chính phủ ban hành Nghị quyết này chính là, phấn đấu đến hết năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6, cụ thể là:
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp còn tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng còn 36 ngày (hiện là 70 ngày); thời gian thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng hiện nay xuống còn 30 tháng; số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; số doanh nghiệp nộp thuế qua điện tử đạt tối thiểu 90%; thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ/năm (hiện là 247 giờ); thời gian nộp Bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ/năm (hiện là 235 giờ). Tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, bảo đảm Hải quan Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại, thời gian hàng hóa giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu, cơ bản hoàn thành và thực hành hải quan một cửa quốc gia. Nhưng, đến 3 tháng rồi mà vẫn còn có địa phương chả biết Nghị quyết 19 nói về cái gì, thế thì thật đáng lo.

Nghị quyết 19 đặt ra những mục tiêu ở tầm khu vực nhưng trước hết, hưởng lợi từ Nghị quyết chắc chắn sẽ phải là người dân và doanh nghiệp Việt. Bởi, “đất có thổ công”, doanh nghiệp nước ngoài mới chân ướt chân ráo vào Việt Nam chắc gì đã hiểu biết “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” bằng doanh nghiệp Việt, của người Việt làm chủ trên đất Việt.

Hãy nghe đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH – ĐT Bùi Quang Vinh: Sau 3 tháng ban hành Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bãi bỏ 3299 điều kiện kinh doanh quy định tại 170 Thông tư, Quyết định của các Bộ. Một số Bộ khác đã chủ động triển khai một số hành động cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành. Nhưng, vấn đề nằm ở một chữ nhưng: Vẫn còn nhiều nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành cần tập trung triển khai thực hiện và nhất là những vướng mắc trong kiểm dịch hàng xuất khẩu, kiểm định hàng nhập khẩu và khai báo hải quan...

Hôm thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét, cải cách hành chính nhà nước là một chủ trương đúng. Chính phủ triển khai, thực hiện bằng nhiều chương trình, với quyết tâm cao, đã qua 15 năm thực hiện, cho đến nay nghiêm túc nhìn nhận đánh giá lại nhiều mục tiêu, nhiều chỉ tiêu chúng ta không đạt được. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, thực thi chưa nghiêm, gây tốn kém thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp. Hóa ra, những tồn tại này đã kéo dài một thập kỷ rưỡi, thế thì, ba tháng đúng là thời gian chưa nhiều.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa chúng ta có thể xuê xoa cho sự chậm trễ này thêm nữa. Bởi, đã có nhiều chuyên gia phải thốt lên, chúng ta cải cách nhiều nhưng đang đối mặt với nguy cơ bị Lào, Campuchia “vượt mặt” về năng lực cạnh tranh. Vẫn biết, nước nghèo, chậm phát triển thường thì hay bung ra hay mở cửa cho đầu tư, cho phát triển. Việt Nam hiện đã thoát khỏi khu vực chậm phát triển nhưng vẫn đang trong tiến trình của một nước đang phát triển, lẽ nào, một số bộ, ngành địa phương đã bằng lòng với những gì mình có được.

Trở lại với kỳ họp thứ 9 vừa qua, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh đã được nhiều ĐBQH nói đến một cách hết sức tha thiết. “Cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hình thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, để họ yên tâm làm ăn chân chính.”- ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) nói. Còn ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng)thì cho rằng, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng cần phải là nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm 2015 và những năm tới.

Thực tế thì sao, chính ĐB Vũ Công Tiến sau khi đưa ra thực trạng đã đề xuất về giải pháp, trong đó cũng chẳng có gì mới nhưng như thế mới thấy, giải pháp cũ, bàn đi nói lại mà còn chưa thực hiện tốt thì sao yên tâm khi mà chúng ta vẫn “cần đẩy mạnh làm quyết liệt hơn về cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, có cơ chế quản lý, xử lý trách nhiệm mạnh và kiên quyết hơn. Hiện nay, xu hướng chung là làm đúng luật, đúng quy trình, quy định thường rất chậm, chỉ có đi tắt thì mới nhanh, đây là những vấn đề không đúng quy định.” Mà đi tắt cũng có thể được hiểu là phải lobby và như thế tính công khai minh bạch đương nhiên sẽ không cao, sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng có đất sống.

Cũng vì lý do này mà ngay tại cuộc họp hôm qua, Thủ tướng đã rất thẳng thắn nói: “Tốn kém thời gian chi phí như thế thì phải tập trung làm để bắt kịp. Mức độ sử dụng Internet trong dân cư ở Việt Nam cao hơn khu vực và thế giới. Vậy tại sao chỉ số Chính phủ điện tử lại thấp?” Và yêu cầu: “Tập trung sức chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao cạnh tranh quốc gia. Đầu tiên là rà soát, loại bỏ những thủ tục không phù hợp; đề cao trách nhiệm không chỉ qui định trên giấy”.

Hàng loạt các hiệp định thương mại đa phương và song phương, mở ra thời kỳ bứt phá trong hợp tác thương mại quốc tế và đem đến cơ hội để Việt Nam có thể nhanh chóng cải thiện vị trí của mình trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh thế giới thì đó là điều tất yếu mà chúng ta phải hướng tới. Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất mạnh mẽ và việc đó đòi hỏi các ngành, các cấp phải có sự thay đổi tương ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rào cản thủ tục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO