Hồ Gươm, đầu mối văn hóa

Từ Khôi 23/11/2018 09:00

Hà Nội là trái tim của cả nước. Hồ Gươm lại là trái tim của Hà Nội. Trong sâu thẳm trầm tích văn hóa, Hồ Gươm và các di tích trong quần thể di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc với khát vọng yêu hòa bình, trọng trí tuệ.

Trong một không gian nhỏ hẹp, gánh những giá trị thiêng liêng như vậy đã là sức nặng quá lớn đối với Hồ Gươm. Vậy mà mấy chục năm nay, người ta nhìn Hồ Gươm như một miếng bánh ngon, không được bao bọc kỹ là bị “cắn xé” cho sứt sẹo. Hồ Gươm chật lắm rồi. Hồ Gươm chỉ nên là “đầu mối” của văn hóa chứ không cần thiết là đầu mối của giao thông, của tắc đường và xả rác…

Hồ Gươm, đầu mối văn hóa

Phối cảnh cửa ga C9.

Lịch sử dân tộc ta trải dài mấy ngàn năm. Trong mấy ngàn năm đó, bao nhiêu mảnh đất địa linh được cơ trời xoay chuyển thành đất đế đô? Rất ít. Có thể kể như: Phong Châu, Cổ Loa, Hoa Lư, Huế, Hà Nội. Trong những mảnh đất đế đô này thì Hà Nội rạng rỡ hơn cả.

Qua các thời, kinh đô, thủ đô Thăng Long - Hà Nội lại có những điểm nhấn, những trung tâm thành phố khác nhau. Thời kỳ Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thì trung tâm là kinh thành, nay là Khu Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới. Các triều đại phong kiến sau như Trần, Lê, Mạc đều chọn Hà Nội làm kinh đô, và tất nhiên kinh thành là trung tâm kinh đô. Đến thời Nguyễn, kinh đô dời về Huế, Thăng Long trở thành tỉnh thành Hà Nội. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam thì Hà Nội lại trở thành trung tâm không những của Việt Nam mà của cả xứ Đông Dương.

Thật đặc biệt, ngay khi triều đình nhà Nguyễn dời đô về Huế thì tầng lớp kẻ sĩ Bắc Hà vẫn quyết tâm xây dựng chốn văn hóa Hà Nội riêng, mang biểu tượng văn hóa. Đó là những năm nửa cuối thế kỷ 19. Những vị tiến sĩ nho học, làm quan rồi về mở trường dạy học quanh Hồ Hoàn Kiếm đã chủ trương xây dựng vùng địa linh văn hóa.

Khi người Pháp quy hoạch Hà Nội, mở những con đường to, thẳng tắp mà sau này ta đặt các tên phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Bà Triệu… thì Hồ Gươm trở thành trung tâm thành phố.

Chỉ trong khoảng 150 năm đến nay, kể từ khi hoàn thiện các công trình kiến trúc ven Hồ Gươm, chúng ta đã có một Di sản Quốc gia đặc biệt, rất thiêng liêng. Một thời gian không dài nhưng không phải dễ lặp lại như sau này các nhà quy hoạch kiến trúc muốn quy hoạch Hồ Tây làm trung tâm của thành phố.

Hồ Gươm, trở thành “đầu mối văn hóa” của đất nước như thế đó.

Ý nghĩa văn hóa thì rộng lớn, nhưng không gian Hồ Hoàn Kiếm thì lại nhỏ hẹp. Diện tích mặt hồ chỉ vào khoảng 12 ha. Thế nhưng, vài ba chục năm trở lại đây, người ta thi nhau triển khai các dự án vào đầu mối văn hóa này. Hồ Hoàn Kiếm dần teo đi giữa các nhà cao tầng xung quanh. Và nếu không được ngăn chặn, Hồ Hoàn Kiếm sẽ biến thành một ao làng, nước tù đọng. Rồi vào mỗi dịp lễ, tết, bắn pháo hoa, lễ hội, Hồ Gươm lại oằn mình cho nườm nượp người “giày xéo”, rác xả bừa bãi, vườn hoa tan tác. Chính vì đau đớn trước khung cảnh thiên nhiên bị dần biến dạng, chốn thiêng bị hỗn tạp xô bồ mà dư luận người dân đặt cho những công trình bên Hồ Gươm những cái tên rất xấu, dù xét về mặt kiến trúc nó không đến nỗi nào: Máy chém (Trụ sở UBND TP Hà Nội), Hàm cá mập (tòa nhà số 1 đến số 7 Đinh Tiên Hoàng…

Cuối năm 2013, Hồ Hoàn Kiếm đền Ngọc Sơn được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Thế nhưng, rào cản này vẫn không làm cho những người xây dựng dự án băn khoăn, nản lòng tấn công vào di sản. Trong hai phương án thiết kế xây dựng ga đường sắt đô thị ngầm từ Nam Thăng Long đến trung tâm thành phố thì phương án 1 là đến Hồ Hoàn Kiếm.

Phương án này đi qua các khu phố cổ, dọc Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, phố Huế, Đại Cồ Việt, gắn với vị trí ga C9 đặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận.

Theo thiết kế: Hầm nhà ga ngầm C9 cách chân Tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân Tháp 1m. Thân ga (dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Hoàn Kiếm. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới Hồ Hoàn Kiếm 10m, tới Tượng đài Cảm tử 81m, tới đền Bà Kiệu 83m, tới vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ 120m, tới Tháp Bút 36m.

Dự án này cơ bản dù đã được UBND TP Hà Nội xem là khả thi nhưng lại vấp phải sự phản đối của Bộ VHTTDL. Theo thiết kế, khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, tới Tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m, tới đền Bà Kiệu khoảng 83m, tới Tháp Bút khoảng 36m và tới vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m. Cự ly này sẽ phá vỡ cảnh quan và tạo nên sự hỗn tạp của di sản. Trên thực tế, việc thiết kế này đã xâm phạm vào vùng 1 và vùng 2 của di sản. Và muốn được chấp thuận, không chỉ cần ý kiến của Bộ VHTTDL mà còn của cả Thủ tướng Chính phủ.

Hồ Hoàn Kiếm là chốn thiêng, là di sản rất hấp dẫn du khách. Nhưng không nên vì thế mà chọn Hồ Hoàn Kiếm làm đầu mối giao thông. Dự án cần thiết phải điều chỉnh nhà ga ra xa trung tâm di sản này vài trăm thậm chí hàng km nữa. Trong tương lai, có thể toàn bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm sẽ phải dành cho đi bộ chứ không chỉ trong những ngày cuối tuần.

Xây dựng chốn thiêng, “đầu mối văn hóa” như Hồ Hoàn Kiếm cực khó. Vậy thì tại sao lại dễ dàng đánh đổi giá trị to lớn này để an ủi với nhau bằng một lý do: Tiền ít, không phải giải phóng mặt bằng nhiều?.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồ Gươm, đầu mối văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO