Hỗ trợ ngư dân

Kiên Long 18/09/2015 07:25

Không chỉ là quản lý, hướng dẫn mà việc giám sát, kiểm tra cũng phải được các cơ quan chức năng như bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển làm thường xuyên. Đây cũng là một biện pháp hỗ trợ ngư dân bám biển.

Ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Quốc Anh.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với bão lốc, mưa dông thất thường; an ninh trật tự trên biển với những tranh chấp cả tàu ta lẫn tàu nước ngoài cũng như nạn cướp biển, tai nạn… gia tăng, đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho ngư dân Việt Nam.

Làm sao để hỗ trợ cho ngư dân ta yên tâm bám biển, sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo? Không chỉ đòi hỏi sự đặc biệt quan tâm của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, mà cũng cần phải có sự tổ chức chặt chẽ, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, và nâng cao kiến thức pháp luật, khoa học - kỹ thuật từ chính ngư dân.

Liên tục những ngày qua, cùng với nhiều tàu cá do ảnh hưởng của cơn bão số 3 bị chìm, đắm, đã lại liên tục xảy ra các vụ việc khác như ngư dân bị bắn, bị mất tích do tai nạn, tàu của ngư dân bị đâm…Vụ 6 tàu cá của các ngư dân ở Kiên Giang bị bắn trong ngày 11-9, làm 1 người tử vong tại chỗ và 2 người khác bị thương đã làm xôn xao trong dư luận ngư dân và cả nước.

Tiếp đó ngày 16-9, vụ nổ bình ga của tàu cá BV 97799TS khi đang hành trình trên biển khu vực Côn Đảo đã làm 15 người mất tích. Riêng cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đến Thừa Thiên- Huế từ ngày 15/9 cũng đã làm 7 tàu cá bị đánh chìm. May sao 12 ngư dân trên các tàu QB 92757 và QB 92309 bị sóng đánh chìm đã được kịp thời cứu vớt, đưa vào bờ an toàn.

Với hơn 1 triệu km2 biển, gấp 3 lần diện tích đất liền, trữ lượng hải sản phong phú, đã là cái nôi, môi trường để cho hơn 800 ngàn ngư dân nước ta trực tiếp khai thác; đã giải quyết việc làm, nuôi sống cho hơn 4 triệu người lao động.

Khoảng 130.000 tàu thuyền các loại với hơn 2 triệu tấn cá được đánh bắt hàng năm đã đóng góp khoảng 14%, trong khoảng 49% GDP cả nước thu được từ kinh tế biển. Ngư dân đã không chỉ lao động sản xuất nuôi sống bản thân, gia đình, đóng góp cho xã hội, mà đặc biệt còn góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Phát huy truyền thống bao đời của cha ông ta, vươn ra biển, làm giàu từ biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn là nhiệm vụ của mọi cấp chính quyền, của mọi người dân, nhất là ngư dân. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngư dân đã không ngừng phát triển về phương tiện, kỹ thuật đánh bắt, tích cực vươn khơi làm giàu. Nếu như trước kia đa số phương tiện đánh bắt bằng thủ công, tàu gỗ thì nay đã từng bước cơ giới hóa, với các trang thiết bị đánh bắt hiện đại.

Ngày 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam đã ra đời, tại Điều 5, về chính sách quản lý và bảo vệ biển đã khẳng định việc “khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học-kỹ thuật, công nghệ vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển…Khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản cuả ngư dân trên các vùng biển”. Trước đó, Đại hội XI của Đảng đã xác định việc khai thác biển “phát triển đánh bắt xa bờ, gắn với quốc phòng, an ninh”, “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển”.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân khai thác hải sản xa bờ như cho vay đóng tàu, nâng cấp tàu đánh bắt, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất lớn, cho vay mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ đánh bắt, bảo quản… Đã có hàng ngàn tỷ đồng được hỗ trợ cùng hàng ngàn con tàu được đóng mới, hoán cải, đủ điều kiện đánh bắt ở các vùng khơi xa.

Theo đó, những phương tiện phục vụ cho sản xuất như máy thu, trực canh, thu tín hiệu phát từ vệ tinh để nhận thông tin thời tiết, hướng dẫn hành trình tránh, trú bão và các thông tin quan trọng khác từ cơ quan quản lý thủy sản, cầu nối giữa ngư dân ngoài khơi xa với các gia đình trong đất liền. Bên cạnh đó, với việc ra đời, phát triển của lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, các tổ đội ngư dân đánh bắt đã thực sự hỗ trợ và bảo vệ để ngư dân yên tâm, bám biển.

Tuy nhiên vì sao thời gian qua, đã lại liên tục xảy ra các vụ việc, tai nạn trên biển? Thực tế dù đã nâng cấp về phương tiện, kỹ thuật, nhưng đa số ngư dân vẫn còn thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung, pháp luật hàng hải nói riêng. Chuyện tranh chấp về những luồng cá, khu vực đánh bắt, nhất là trên những vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia, ngay với các hải đội, tổ đội ngư dân nước ngoài, hay kể cả trong nước rất dễ xảy ra. Các thế lực thiếu thiện chí trên biển và cướp biển cũng lợi dụng điều này để hoành hành.

Trong khi đó, việc xử lý tranh chấp trên biển rất khó khăn, khó tìm những bằng chứng, vật chứng chứng minh vi phạm. Ngay những tranh chấp trong việc sử dụng, khai thác giữa các ngư dân, tàu bè đi lại trong nước, pháp luật cũng chưa có các quy định cụ thể để hướng dẫn, xử lý. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, phương tiện hiện đại cũng cần có kỹ năng.

Ví như việc dùng bình ga thay thế cho bếp dầu, bếp củi một thời cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Trong khi đó, cũng còn không ít các tàu thuyền, ngư dân vi phạm các quy định khi đánh bắt, quy định của luật biển. Như việc dùng điện, thậm chí dùng thuốc nổ. Đã không ít các tàu thuyền, ngư dân đã phải chịu hậu quả của chính sự vi phạm của mình.

Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước, việc hỗ trợ ngư dân đã là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Không chỉ hỗ trợ về tiền bạc để nâng cao trang thiết bị, mà còn phải tiếp tục xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật về sử dụng, khai thác trên biển. Không chỉ xây dựng hệ thống theo dõi, quản lý, hướng dẫn các tàu thuyền trên biển mà còn yêu cầu việc xây dựng các tổ, đội để hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau trên biển. Đồng thời cần có những lớp học giáo dục về pháp luật, về kỹ năng, áp dụng khoa học-kỹ thuật cho ngư dân.

Bên cạnh đó, không chỉ là quản lý, hướng dẫn mà việc giám sát, kiểm tra cũng phải được các cơ quan chức năng như bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển làm thường xuyên. Đây cũng là một biện pháp hỗ trợ ngư dân bám biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ ngư dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO