Hủy hoại từ bên trong

Nam Việt 13/07/2016 23:24

Vụ việc ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường - Đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho chôn rác thải của Công ty Formosa trong trang trại của mình đang làm nóng dư luận. Ngay chiều 12/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra vụ việc. Cũng trong ngày này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Môi trường (Bộ Công an) và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cùng vào cuộc. 

Theo một số báo phản ánh đây là khu vực phát hiện chất thải tự chôn lấp của Formosa.

Trong công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh, UBND thị xã Kỳ Anh và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm và báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh trước 10h ngày 13/7.

Riêng với ông Lê Quang Hòa, công an đã triệu tập khẩn cấp để điều tra làm rõ có hay không việc ông này có hành vi tiếp nhận, chôn lấp trái phép chất thải công nghiệp từ Formosa trong trang trại. Tuy nhiên, theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, các mẫu lấy phân tích có thể sẽ được đem về Hà Nội phân tích tại Trung tâm kiểm định môi trường. Đó cũng là việc làm cần thiết.

Từ câu chuyện này cho thấy, vấn đề môi trường- hay đúng hơn là hủy hoại môi trường, đang rất nóng. Trong nhiều năm qua vì nhiều lý do, trong đó có lí do tăng trưởng nóng nên vấn đề môi trường bị xem nhẹ. Đến khi giật mình nhìn lại thì nhiều dòng sông đã bị nhiễm độc, nhiều vùng biển ven bờ ô nhiễm khiến nhiều rạn san hô “chết đuối”.

Ngay cả nguồn nước ngầm cũng ngấm nhiều hóa chất có hại cho sức khỏe con người. Nước trên những cánh đồng, những con mương cũng bị dư lượng hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật đầu độc, khiến cho nhiều loài thủy sinh nước ngọt bị tuyệt diệt. Đó là nguồn nước, còn trong không khí, chất thải cũng được “ném lên trời” một cách vô tội vạ.

Trong những đô thị lớn, khói bụi mờ mịt như sương, người đi đường phải đeo khẩu trang như... Ninja để tự bảo vệ mình. Mức độ ô nhiễm không khí ở khu vực đô thị đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Cách đây chưa lâu, trước thông tin trong không khí ở Hà Nội mức độ thủy ngân quá cao khiến mọi người lo lắng.

Còn nữa, trên mặt đất, ô nhiễm có thể nói là hết sức đáng quan ngại khi mà nhiều cánh rừng bị đốn hạ, vẫn còn những “núi” rác khổng lồ tồn tại gần khu dân cư ngày đêm bốc mùi hôi hám khiến nhà nhà phải đóng cửa, đêm đêm người già phải đeo khẩu trang để cố vỗ về giấc ngủ chập chờn. Đặc biệt, sự chôn lấp chất thải công nghiệp (trong đó có cả những thùng thuốc trừ sâu, rác thải bệnh viện) đã khiến mặt đất bị ô nhiễm.

Không thể muốn ném lên trời, vứt xuống biển cái gì cũng được. Không thể chôn xuống đất bất cứ cái gì. Không khí, nước, mặt đất là của chung mọi người. Chỉ vì vô ý thức, thiếu trách nhiệm, nghĩ đến cái lợi vật chất riêng mà đầu độc cộng đồng- hành động đó cần phải được lên án mạnh mẽ, cần phải được xử lý nghiêm minh.

Trở lại câu chuyện chôn chất thải rắn ở Hà Tĩnh, điều đáng nói ở đây nhất- cùng với việc ô nhiễm môi trường- chính là cách hành xử của một người đứng đầu một Công ty môi trường- đô thị địa phương. Là giám đốc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường thì không thể nói rằng không biết chất thải rắn- chất thải công nghiệp phải được xử lý theo quy trình như thế nào.

Là người đứng đầu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường mà lại không hiểu quy trình xử lý chất thải công nghiệp, không lo tác hại của nó đến môi trường, tùy tiện đưa đi chôn trong trang trại của mình thì thật khó có thể chấp nhận được.

Thêm nữa, cũng cần làm rõ hành vi vì sao lại cho chôn ở đất của mình. Tại sao lại không chôn ở chỗ khác? Câu hỏi đó nếu trả lời được sẽ lộ ra hành vi của người thực hiện. Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý: Không phải “đất của mình” thì muốn làm gì cũng được, khi nó ảnh hưởng đến cộng đồng.

Từ vụ việc nêu trên, vấn đề cực kì quan trọng đối với những người được giao công việc trong một lĩnh vực cụ thể nào đó phải có trách nhiệm rất cao về nhiệm vụ. Là cán bộ môi trường thì phải gương mẫu, nghiêm khắc về môi trường. Là kiểm lâm thì phải giữ chắc lấy rừng không để rừng bị triệt hạ. Không được lợi dụng công việc được giao, vị trí công việc của mình trong lĩnh vực ấy để tùy tiện hành xử, xấu hơn là lại dung túng, bắt tay với tội phạm để kiếm lợi riêng.

Trong một lĩnh vực cụ thể, người “ngoài ngành” không am hiểu, ít trách nhiệm hơn (vì không được lĩnh lương) khi vi phạm có thể còn châm chước chút ít; nhưng đối với người trong ngành, ăn lương nhà nước để làm việc đó mà lại vi phạm thì việc xử lý phải rất nghiêm khắc.

Trong trường hợp chôn chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường ở Hà Tĩnh, thật đáng buồn là ô nhiễm biển xử lý không biết đến bao giờ mới xong, thì lại ô nhiễm cả mặt đất. Sự hủy hoại môi trường ở đây có thể nói một cách hình ảnh là hủy hoại từ bên trong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hủy hoại từ bên trong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO