Kéo doanh nghiệp về với tam nông

Nguyên Khánh 23/07/2019 08:30

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Nghị quyết đưa ra rất nhiều giải pháp với mong muốn DN nỗ lực, chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ và người dân đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn.

Kéo doanh nghiệp về với tam nông

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau sạch ở Đà Lạt (Lâm Đồng).

Như vậy sau nhiều cuộc làm việc với các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng DN, Nghị quyết số 53 được ban hành với những giải pháp rất cụ thể để khuyến khích thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp một cách an toàn và bền vững. Vì sao đã có rất nhiều nghị quyết, quyết định được Thủ tướng ký ban hành để dành những ưu đãi đặc biệt cho DN như Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… nhưng Chính phủ vẫn tiếp tục ban hành hẳn một nghị quyết riêng mới mong muốn thúc đẩy, “kéo” DN về với tam nông.

Tới thời điểm này đã có một số DN quan tâm và triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã hình thành với trên 50 nghìn DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó có khoảng 10.200 DN trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản... Tuy thế sự phát triển của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số DN trên cả nước. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao sau rất nhiều ưu đãi mà số DN về với tam nông cũng chỉ chiếm 8%, đâu là rào cản khiến DN không mặn mà với khu vực này?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, khó tiếp cận tín dụng, thị trường tiêu thụ không bền vững, lĩnh vực nông nghiệp đối diện nhiều rủi ro... đây là những rào cản cản bước các nhà đầu tư về với tam nông. Đơn cử như khó khăn trong tiếp cận đất đai trước khi có Nghị quyết số 53, Nghị định 57/2018/NĐ-CP đã được ban hành với đích đến là tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Theo đó, rất nhiều ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo Nghị định này từ lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, giống, thuỷ sản, máy móc, vật tư nông nghiệp, chế biến nông lâm thuỷ sản, cho đến sản xuất hàng thủ công, nước sạch, xử lý chất thải, thương mại nông sản, thậm chí cả xây dựng nhà ở cho người lao động nông thôn, dịch vụ tư vấn và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...

Nhưng cho đến nay có thể nói lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều ưu đãi đối với các DN. Đó là miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước, cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ chi phí xây dựng hạ tầng, đến chi phí nghiên cứu, mua công nghệ, đào tạo lao động, quảng cáo, xây dựng cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, chính sách là vậy nhưng theo các DN, để tiếp cận được với lĩnh vực đất đai để sản xuất hàng hóa, nông sản từ nông nghiệp là họ phải bước qua một “rừng” thủ tục. Sản xuất lớn trong nông nghiệp đòi hỏi phải có diện tích đất đủ lớn, không thể manh mún, nhỏ lẻ được. Thế nhưng việc tích tụ ruộng đất không hề đơn giản. Vấn đề này đã được bàn luận từ lâu, song các quy định pháp luật thời gian qua vẫn chưa giải quyết được. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Ban hành chính sách gì, giải pháp ra sao để kéo DN về tam nông, làm giàu từ tam nông, nhưng chính những người nông dân sản xuất trực tiếp không giàu lên từ đất thì lấy ai là người sản xuất.

Để nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, chúng ta phải chuyển từ “sản xuất để ăn thành sản xuất để bán”. Việc này cần có sự vào cuộc đồng bộ, cùng đồng hành quyết liệt ở cả 3 trục: Chính phủ - DN - người dân. Theo đó, Chính phủ hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN, nông dân. Ở góc độ DN và người dân thì hàng triệu hộ nông dân phải cùng sản xuất trong những hợp tác xã kiểu mới, phải liên kết được với DN để cùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo giới chuyên gia, rất quan trọng là làm sao để DN nhận thấy lợi nhuận lâu dài khi đầu tư vào nông nghiệp. Từ đó mới tạo ra sự đồng bộ từ khâu đầu tư, sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản Việt Nam. Trong đó không thể vắng bóng “4 nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - DN - nhà nông, trong đó đặc biệt chú ý đến DN và nông dân. Nếu mối liên kết của “các nhà” lỏng lẻo thì nông sản Việt khó đạt được mục tiêu vươn lên vị trí hàng đầu như chúng ta mong muốn. Tam nông đang chờ DN. Chủ trương đã có, chính sách đã có nhưng việc “phát quang rừng thủ tục” để DN mạnh dạn đầu tư, liên kết làm ăn với nông dân vẫn là việc phải bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kéo doanh nghiệp về với tam nông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO