Khép lại một mùa thi

Thu Hương 29/06/2019 08:15

Khẳng định của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi họp báo về kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra từ ngày 25 tới ngày 27/6 cũng chính là mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân cả nước về một kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia đánh giá lại quá trình 12 năm học phổ thông của hàng triệu học sinh. Trước khi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra suốt gần một năm qua, điều dư luận xã hội quan tâm nhất chính là các giải pháp chống tiêu cực mà Bộ GDĐT đặt ra để không lặp lại sự việc của năm 2018.

Khép lại một mùa thi

Mùa thi THPT 2019 khép lại với nhiều cảm xúc. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều hội thảo đã được tổ chức, nhiều chuyên gia góp ý, hiến kế cho ngành giáo dục. Bất cứ phóng viên nào khi đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành giáo dục từ Trung ương tới địa phương, thậm chí cả các ban ngành chức năng có liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia đều xoay quanh nội dung chống tiêu cực trong tất cả các khâu của kỳ thi THPT quốc gia. Nay, câu trả lời đã phần nào được giải đáp.

Nếu xét riêng về số thí sinh vi phạm quy chế thi, cả nước có 79 thí sinh. Trong đó, 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách. So với năm 2018, số thí sinh vi phạm là 77 em, ít hơn năm nay 2 em. Dẫu vậy, đây vẫn là những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành GDĐT, trực tiếp là các cán bộ coi thi, thanh tra các điểm thi... và các thầy cô giáo đã hàng ngày tuyên truyền, nhắc nhở và giáo dục cho học sinh về kỷ luật trường thi.

Từ cảnh những sân trường, cổng trường trắng phao thi sau mỗi buổi thi như báo chí phản ánh cách đây vài năm tới nhận định của ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), nhìn chung, năm 2019 không còn hiện tượng phao thi là một hành trình dài trong việc thay đổi nhận thức của xã hội về kỳ thi THPT quốc gia mà ngành giáo dục đào tạo đã làm được và đang nỗ lực làm tốt hơn.

Dẫu vậy, vẫn còn những sai sót cần khắc phục như trong hơn 38.000 phòng thi, tổng số cán bộ coi thi vi phạm Quy chế thi là 6 người. Trong đó, có những sai sót như cán bộ coi thi ký nhầm vào ô chấm thi, giám thị bắt thí sinh làm lại bài khi phát hiện thí sinh ghi số báo danh không đúng quy cách... sau đó đã được Ban Chỉ đạo thi quốc gia chỉ đạo tổ chức cho các thí sinh này thi lại môn thi gặp sự cố vào chiều ngày 27/6 để đảm bảo quyền lợi. Luôn luôn đặt quyền lợi của các thí sinh lên đầu tiên không chỉ là khẩu hiệu mà đã được Bộ GDĐT thực hiện bằng hành động cụ thể.

An toàn và nghiêm túc - mục tiêu đặt ra của kỳ thi đến thời điểm nay đã đạt được như khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ- Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 thông tin tại buổi họp báo, chưa khi nào có một kỳ thi lại nhận được sự hoan nghênh của dư luận như kỳ thi năm nay. Nhớ lại, cũng cuối buổi chiều 27/6 cách đây 1 năm, Bộ GDĐT trong buổi họp báo kết thúc kỳ thi cũng nhận định, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được tổ chức đúng kế hoạch, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, an toàn đúng quy chế, đáp ứng các mục tiêu đề ra, đảm bảo phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhưng, những phát hiện chấn động sau đó từ phổ điểm cao bất thường của một số địa phương trong cả nước đã khiến dư luận một phen dậy sóng.

Hy vọng là không thể lặp lại với hàng loạt biện pháp chống gian lận, tiêu cực mà Bộ GDĐT đang riết róng thực hiện với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành chức năng có liên quan... Chẳng hạn, trong quá trình vận chuyển bài thi từ điểm thi đến nơi lưu trữ trước khi chấm có sự giám sát của lực lượng an ninh. Tại phòng lưu trữ bài thi cũng có camera giám sát 24/24 và cũng có lực lượng an ninh bảo vệ thường trực. Thậm chí, còn có cả lực lượng hỗ trợ, bảo vệ từ vòng ngoài.

Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh: Qua kiểm tra cho thấy các hội đồng thi đang thực hiện tốt việc này. Bộ GDĐT không dung túng sai phạm, gian lận thi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tinh thần này đã ngấm vào phần lớn người tham gia kỳ thi, không những thế thí sinh cũng bày tỏ mong muốn có được kỳ thi nghiêm túc.

Tuy nhiên, nhìn từ vụ việc trong buổi thi môn Ngữ văn, có thí sinh ở Phú Thọ mang điện thoại vào phòng và chụp đề ra ngoài cho người giải hộ cho thấy quy định chỉ cho thí sinh mang thiết bị chỉ có chức năng ghi nhằm phát hiện tiêu cực đang có những kẽ hở. Việc kiểm soát đâu là thiết bị chỉ có chức năng ghi mà không có chức năng phát tán dù có được tập huấn kỹ lưỡng thì với phương tiện kỹ thuật ngày càng tinh vi, rất khó để các cán bộ coi thi phát hiện được. Vì vậy, đề xuất Bộ GDĐT cần xem xét lại quy định những năm tới có nên cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng thu vào phòng thi nữa hay không.

Bên cạnh đó, việc chống gian lận thi cử quan trọng là phải nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh để sao cho thí sinh không mang thiết bị vào phòng thi, phụ huynh không có việc làm gian lận trong thi cử mới là giải pháp căn cơ, bền vững để thực sự có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khép lại một mùa thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO