Khi EC chưa rút lại thẻ vàng

Miên Thảo 28/12/2019 07:00

Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã chính thức thông tin về “thẻ vàng” của EC đối với hải sản khai thác ở Việt Nam khi vào thị trường EU. Đây là kết quả kiểm tra lần 2 của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo đó, từ ngày 5 - 14/11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Ủy ban châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về IUU.

Khi EC chưa rút lại thẻ vàng

Ngư dân Đông Hải (Ninh Thuận) chuẩn bị lưới đánh bắt hải sản. Nguồn: Ninhthuan Online.

Đoàn Thanh tra EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng. Việt Nam bước đầu tiến hành thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật trên thực tế. Cùng với đó, Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước. Tuy nhiên, EC khẳng định khi nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút lại thẻ vàng.

Như vậy, sau 2 lần kiểm tra, EC vẫn chưa rút lại thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam nhập vào thị trường EU.

Còn nhớ, chiều tối ngày 25/10/2017, tại Hà Nội, trong một cuộc gặp gỡ báo chí, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thông tin về những vấn đề quan trọng sau khi có thông tin EU vừa áp dụng thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Theo đó, sau 6 tháng áp dụng thẻ vàng, nếu Việt Nam không thực hiện các yêu cầu mà EU nêu ra thì thủy sản Việt Nam sẽ bị rút thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU sẽ bị nghiêm cấm.

Kể từ đó, Việt Nam đã tích cực áp dụng nhiều biện pháp để EC rút lại thẻ vàng khi thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang khổi này. Không thể phủ nhận rằng, đó là những nỗ lực bền bỉ, những quyết tâm to lớn. Nhưng đáng tiếc, như thế vẫn chưa đủ với quan điểm của EC. Suốt thời gian kể từ cuối tháng 10/2017 tới nay, Chính phủ đã lập nhiều đoàn kiểm tra đến khảo sát tại các cảng cá; làm việc với những địa phương có nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ; đồng thời quy định bắt buộc những báo cáo hải trình của những con tàu cá này. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được đưa ra, tình hình có biến chuyển, và tưởng chừng việc EC xóa thẻ vàng cho hải sản Việt Nam vào EU như một điều tất nhiên.

Nhưng, khó khăn vẫn còn đó. Sau lần kiểm tra thứ 2 này của Đoàn Thanh tra EC, chúng ta vẫn còn có việc phải làm, mà phải làm rất quyết liệt. Đó là ngăn chặn tàu cá của ta vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cũng từ việc này, người ta nhận thấy việc xâm nhập thị trường nước ngoài trong quá trình hội nhập toàn cầu không hề dễ dàng. Rào cản kỹ thuật của nước ngoài dựng lên buộc bất cứ quốc gia nào muốn thâm nhập thị trường của họ đều phải tuân thủ những quy định khá ngặt nghèo. Nhưng không thể vì khó mà không làm. Cuộc chơi ở sân chơi lớn bắt buộc phải có cách chơi thích hợp.

Cũng từ chuyện này, không ít ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cho rằng đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại việc phát triển nguồn lợi thủy hải sản. Cụ thể là, cùng với việc phát triển đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ để không tận diệt nguồn lợi thủy sản gần bờ, thì rất cần phải có chiến lược phát triển mạnh mẽ việc nuôi trồng thủy, hải sản; nhất là hải sản. Đó chính là chiến lược tái cấu trúc ngành thủy sản, đẩy mạnh nuôi trồng thay vì chỉ chú trọng đánh bắt. Có nghĩa là phải đi hai chân, có đứng vững trên hai chân (đánh bắt và nuôi trồng) thì mới có thể bước xa, bước dài được.

Những năm qua, việc đầu tư nuôi trồng thủy sản đã được triển khai tại nhiều địa phương. Không chỉ có cua, tôm hùm mà nhiều loại cá biển giá trị kinh tế cao đã được ngư dân, doanh nghiệp thả nuôi ven biển, quanh các đảo. Tuy nhiên, số lượng chưa thật nhiều và sự rủi ro thiên nhiên đến với người nuôi cũng không ít. Theo các chuyên gia, cùng đó thì việc nâng cao chất lượng hải sản thả nuôi là rất quan trọng,. Đặc biệt cần hạn chế tối đa thức ăn có thể chứa dư lượng kháng sinh, vì điều đó sẽ không được các thị trường khó tính chấp nhận. Đây cũng chính là thực tế rút ra được từ việc nuôi cá nước ngọt (cá tra, cá ba sa) thời gian trước.

Trở lại với việc EC chưa rút lại thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam khi vào EU, mới thấy cuộc chơi toàn cầu (chí ít là khối Liên minh châu Âu) không hề đơn giản. Khó, nhưng nếu quyết tâm cao, triển khai các biện pháp chặt chẽ hơn thì cuối cùng cũng sẽ thu được kết quả. Còn ngay từ bây giờ, chúng ta cần phát triển ngành thủy sản nước nhà thật bền vững- đó chính là đòi hỏi không chỉ trước mắt mà rất lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi EC chưa rút lại thẻ vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO