Khi thông tin cá nhân bị rò rỉ

Duy Khang 13/11/2018 09:00

Sự việc gây xôn xao dư luận những ngày qua liên quan đến hàng triệu khách hàng của Thế giới di động bị rò rỉ thông tin cá nhân tiếp tục làm dấy lên những lo ngại về việc bảo mật thông tin người tiêu dùng. Mặc dù đại diện Phòng Truyền thông của công ty này đã lên tiếng phủ nhận sự việc, cho rằng, thông tin chia sẻ trên mạng xã hội là không chính xác, và hệ thống công nghệ thông tin của Thế giới di động vẫn an toàn…

Khi thông tin cá nhân bị rò rỉ

Rò rỉ thông tin cá nhân đã trở thành vấn nạn.

Song, điều này không khiến người tiêu dùng an tâm. Và một lần nữa, vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân tiếp tục được dư luận đặt câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm khi thông tin cá nhân bị rỏ rỉ?

“Chào chị! Em là X ở công ty Y, em liên hệ với chị từ phòng giao dịch bất động sản…”; “Chào chị! Em là P, ở trung tâm chăm sóc sắc đẹp T. Bên em đang có gói chăm sóc da…”. Đó là những cuộc gọi từ một số thuê bao lạ hoắc mà mỗi ngày cô bạn tôi nhận được để quảng cáo các gói sản phẩm mới với mục đích chào hàng. Không biết mỗi ngày, một người tiêu dùng nhận được bao nhiêu cuộc gọi như vậy. Chỉ biết rằng, những cuộc gọi đó đã gây ra không ít phiền hà cho người tiêu dùng, thậm chí cả những vụ lừa đảo, mất mát về tài chính cũng đã xảy ra. Thực trạng này đã và đang gây ra nhiều bức xúc cho dư luận xã hội.

Thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, các cuộc mua hàng trực tuyến, giao dịch qua mạng ngày càng trở nên phổ biến. Lợi ích của việc mua sắm, giao dịch bán hàng qua mạng là sự tiện lợi, tiết kiệm được thời gian, đi lại nhưng mặt trái của các giao dịch này chính là thông tin cá nhân không còn là bí mật giữa hai bên “mua và bán”. Hay nói cách khác, khi giao dịch online đã trở thành một phương thức giao dịch phổ thông, dữ liệu người dùng đáng lẽ phải được bảo vệ một cách hết sức an toàn thì ngược lại, bằng cách nào đó, các thông tin của người tiêu dùng đã được “tung” ra hết. Để rồi, theo phản ảnh của nhiều người tiêu dùng, mỗi ngày họ phải nhận đến hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc điện thoại mời chào mua cái này, bán cái kia, tư vấn vấn đề này, trao đổi vấn đề kia…

Đáng quan ngại hơn, không chỉ các thông tin thông thường như địa chỉ, số điện thoại của người tiêu dùng bị bại lộ, ngay cả các thông tin tài chính, số thẻ, số tài khoản cũng bị các “tin tặc” (hacker) tìm cách xâm phạm. Kết cục là, nhiều khách hàng đã phải tá hóa khi chỉ trong một đêm, hàng trăm triệu đồng trong tài khoản ngân hàng “không cánh mà bay”

Trong thời đại kinh tế số ngày càng phát triển hiện nay, có thể thấy rõ, việc cung cấp thông tin cá nhân không chỉ xảy ra ở các trường hợp giao dịch mua bán thông thường. Ngay cả việc vào trung tâm mua sắm, vào các hệ thống siêu thị… các dữ liệu thông tin cá nhân của người tiêu dùng cũng đều được yêu cầu cung cấp. Thậm chí nhà có con trong độ tuổi đi học cũng được các trung tâm gia sư, hãng bảo hiểm, nhãn hàng tiêu dùng… gọi điện, gửi email mời chào hàng ngày.

Thực trạng này ngày càng có xu hướng phát triển mạnh mẽ hơn. Và cũng kể từ khi bùng nổ công nghệ thông tin, trên thị trường lại xuất hiện thêm một ngành nghề gọi nôm na là “rao bán thông tin cá nhân”. Trên thực tế, đáng lẽ những cơ sở, DN để lộ thông tin cá nhân sẽ bị coi là phạm pháp. Bởi, hiện đã có rất nhiều văn bản pháp luật quy định khá chi tiết các quy định bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Đơn cử, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc để lộ thông tin cá nhân thậm chí sẽ bị xử phạt nặng theo Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Cụ thể, Điều 66 của Nghị định này quy định: “Người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền 50 - 70 triệu đồng. Nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng và có đủ cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 288 của Bộ luật Hình sự”.

Tuy nhiên, dường như Luật và những quy định của Luật vẫn chỉ là trên giấy. Còn thực tế, hàng loạt các vi phạm về để lộ thông tin cá nhân diễn ra rất tràn lan. Thống kê của cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2018, cơ quan này đã thụ lý, tiếp nhận tổng cộng 213 vụ việc, tin báo tố giác tội phạm liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao. Tài sản thiệt hại hơn 143 tỷ đồng và 1,9 triệu USD. Trong đó lừa đảo qua điện thoại chiếm nhiều nhất với 68 vụ. Con số thống kê là như vậy, còn thực tế, chắc chắn con số bị lừa là lớn hơn rất nhiều. Bởi còn rất nhiều vụ việc lừa đảo tin nhắn nhỏ lẻ khác mà người dân “tặc lưỡi” ngại trình báo.

Điều đáng nói, chính Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã vào cuộc nhằm siết chặt tình trạng “mua bán công khai thông tin cá nhân”, điều này được thể hiện rất rõ tại Chỉ thị 11 của Bộ Thông tin và Truyền thông được ban hành hồi năm 2016. Tuy nhiên, thực tế, mọi việc chỉ được “êm” một thời gian rất ngắn, sau đó “đâu lại vào đấy”. Người dân vẫn hàng ngày hàng giờ phải “hứng” những cuộc điện thoại “mời gọi” từ các số thuê bao lạ hoắc, còn những đơn vị để lộ thông tin cá nhân khách hàng thì vẫn… vô can.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi thông tin cá nhân bị rò rỉ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO