Khoảng cách

Lê Anh Đức 05/01/2017 09:05

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số năng suất lao động trong nước: Giá trị lao động của một người Singapore bằng tới 23 lao động Việt Nam cộng lại. Nếu như vào các năm 2013, 2014, năng suất lao động của 1 người Singapore bằng 15, 16 người Việt Nam thì nay khoảng cách đó đã được nới rộng. Đó là điều rất đáng suy nghĩ.

Năng suất thấp vẫn là thực tế của lao động VN.

Cụ thể, số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, trong năm 2016 mỗi lao động Việt Nam trung bình làm ra 84,5 triệu đồng (tương đương khoảng 3.853 USD), tăng hơn 5,3% so với 2015 song vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Trong đó khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 32,9 triệu đồng, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 112 triệu đồng, khu vực dịch vụ đạt 103,5 triệu đồng. Với con số “biết nói” trên, chính cơ quan thống kê cũng nhận định rằng, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua dù đã có cải thiện nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Sẽ có người không tán đồng mà cho rằng không thể so sánh Việt Nam với Singapore được, bởi quốc đảo này có tiếng là đất nước phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Cũng được. Vậy ta hãy so Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều nét tương đồng cả về văn hóa cũng như điều kiện kinh tế - xã hội. Song, ngay cả khi so với các quốc gia khác trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều. Đơn cử, phải 3 lao động Việt mới làm ra giá trị bằng một người Thái Lan, 6 lao động mới bằng một người Malaysia. Thậm chí so với Philippines, Indonesia, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng một nửa.

Phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng, khoảng cách về năng suất lao động của người Việt Nam so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực ngày một xa, khó mà bắt kịp. Đó là mới chỉ so với những nước ở quanh ta, chứ nếu so với các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển khác trên toàn thế giới thì khoảng cách về năng suất lao động của người Việt Nam còn thua rất xa. Và đương nhiên hệ quả tất yếu của năng suất lao động thấp là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với các quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ ngày càng tụt hậu.

Người Việt Nam xưa nay vẫn có tiếng là cần cù, chịu thương chịu khó, tần tảo chăm chỉ làm ăn chứ không hề lười nhác, ỷ lại, vậy thì tại sao năng suất lao động vẫn thấp? Câu hỏi tưởng như đơn giản này lại là bài toán khá hóc búa đối với các nhà quản lý. Cũng đã có không ít hội thảo, hội nghị bàn thảo để chỉ ra nguyên nhân đồng thời tìm ra giải pháp khắc phục cho thực trạng năng suất lao động thấp. Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng năng suất lao động ở Việt Nam thấp là do lao động chưa được đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, thể lực người lao động kém, kỹ năng yếu, kỹ thuật và công nghệ sản xuất thấp...

Nhận định trên của các chuyên gia tương đối chính xác. Hiện, hàng năm có tới gần 200.000 cử nhân đại học thất nghiệp, hoặc là ở nhà ăn bám bố mẹ, hoặc phải tạm “xếp bằng vào tủ” để đi làm thuê, làm mướn, lao động cơ bắp như những lao động phổ thông chưa được đào tạo. Ngay cả đối với những người may mắn có được một việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đại học thì tỷ lệ người được làm đúng ngành, nghề được đào tạo cũng rất thấp, nếu như không muốn nói là đa số là làm trái ngành, trái nghề. Mà đã làm trái ngành, trái nghề thì đương nhiên là năng suất lao động không thể cao được rồi. Các cụ xưa chẳng từng nói “nhất nghệ tinh” đó sao?

Sở dĩ có tình trạng lãng phí nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản là do lâu nay chúng ta không có thói quen đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, mà đang thực hiện “đúc khuôn” ồ ạt. Có thể thấy ngay hiện chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng lại dư thừa rất nhiều cử nhân tốt nghiệp các trường đại học khối kinh tế, hay như lĩnh vực kỹ thuật cũng đang khan hiếm kỹ sư lành nghề thì không ít cử nhân tốt nghiệp các trường đại học sư phạm lại khó có cơ hội xin việc tại các cơ sở giáo dục vì “chỉ tiêu” đã kín...

Theo một số chuyên gia thì ngoài những nguyên nhân nói trên còn có nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng dẫn tới thực trạng năng suất lao động thấp. Đó là khi làm việc của mình, có lợi cho bản thân và gia đình theo kiểu “vinh thân, phì gia” thì người ta ra sức, tận lực làm không biết mệt. Song, nếu là làm việc cho người khác, hay cho cộng đồng thì không ít người lại uể oải, làm cầm chừng được chăng hay chớ. Từ đó mới sinh ra nạn “công chức cắp ô”, sáng thì 9h mới lò dò đến công sở, sau đó còn tụ tập chè cháo, buôn chuyện, trưa đi ăn có khi giữa giờ chiều mới về...

Với việc nguồn nhân lực chất lượng cao thất nghiệp không có cơ hội làm việc, sử dụng trái ngành, trái nghề được đào tạo, làm việc vô trách nhiệm theo kiểu “ăn cơm chúa, múa tối ngày”, thử hỏi như vậy thì làm sao năng suất lao động của Việt Nam có thể đuổi kịp, chứ đừng nói đến vượt các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, không dám nói rộng ra thế giới. Đó là chưa kể đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư dây chuyền công nghệ trong sản xuất, kinh doanh chưa được coi trọng cũng là nguyên nhân cốt lõi dẫn tới thực trạng năng suất lao động thấp.

Vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp thì các chuyên gia cũng đã chỉ ra rồi. Song, làm thế nào có thể khắc phục triệt để được những vấn đề đó thì lại không hề đơn giản. Muốn nâng cao năng suất lao động không chỉ cần nâng cao ý thức, tay nghề của người lao động, mà cần có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách trong hàng loạt lĩnh vực như giáo dục đào tạo, việc làm, chấn chỉnh kỷ cương, thái độ làm việc của công chức, viên chức... Hy vọng trong năm 2017 này, khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực sẽ được rút ngắn, không còn bị tụt hậu như những năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng cách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO