Không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng

Nguyên Khánh 07/02/2020 07:30

“Phải chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội. Đặc biệt, sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1 vừa qua.

Theo kế hoạch đã đề ra, năm 2020 Việt Nam sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP 6,8%. Đây là một chỉ tiêu không hề dễ thực hiện trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc. Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng…. Và tất nhiên chỉ tiêu tăng trưởng này được đề ra khi thế giới chưa xuất hiện dịch bệnh nCoV. Điều đó có nghĩa để thực hiện chỉ tiêu kinh tế này là việc quá khó khăn, thậm chí chúng ta phải tính đến vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng.

Tại sao lại đề cập đến vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng là bởi, dịch bệnh mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam một thời gian rất ngắn nhưng nó đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh một cách ghê gớm. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, hàng điện thoại các loại và linh kiện; lượng khách quốc tế giảm mạnh, hoạt động vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tác động gián tiếp đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư; trong đó tác động lên ngành nông nghiệp là nặng nề nhất, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản.

Cụ thể, trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), dự kiến trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 400 triệu USD đến 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5-8%. Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát được trong quý II, nguy cơ chúng ta bị giảm tăng trưởng chỉ còn 6,09%.

Dù kinh tế Việt Nam đang trực tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch cúm nhưng tại phiên họp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhiệm vụ này là một thử thách đối với bản lĩnh, sự quyết tâm của chúng ta. Đồng thời, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỉ giá, xuất khẩu. Chúng ta phải vượt qua khó khăn này để một lần nữa “Mặt Trời tiếp tục tỏa nắng ở Việt Nam” - Thủ tướng nói.

Theo đó, hệ thống hành chính cả nước, từ Trung ương đến địa phương tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ, các công việc đề ra, bám sát thực tiễn và các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương theo quý và cả năm để có biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện nhiệm vụ năm 2020.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, hiện các bộ ngành, địa phương đã ngay lập tức vào cuộc, cụ thể Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 gói giải pháp để phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và giải pháp tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân cũng như thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hay như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm đạt được các chỉ tiêu đã được đề ra trong năm 2020 cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chinh – tiền tệ, chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam. Theo dõi, quản lý và giám sát các biến động trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán… để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời. Chính phủ cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Cần tích cực cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, giảm tới mức thấp nhất thâm hụt ngân sách, đẩy mạnh cải cách chính sách thuế, tái cấu trúc và tăng cường hiệu quả chi tiêu công, giảm một cách bền vững tỷ trọng nợ công và nợ nước ngoài trên GDP.

Một chuyên gia của Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tích cực thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện chính phủ điện tử và chế độ “một cửa”, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm tới mức tối đa các chi phí chính thức và phi chính thức để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO