Không thể chủ quan

An Thái 28/06/2019 09:00

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) hiện nay tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 - đây là thông tin mới nhất vừa được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 58.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 3 ca tử vong.

Đặc biệt các khu vực có số người mắc cao chủ yếu ở khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh (tăng 3,3 lần), Khánh Hòa (7,9 lần), Bà Rịa -Vũng Tàu (5,8 lần)... Riêng tại Hà Nội, có tới 29/30 quận, huyện ghi nhận có người mắc SXH.

Theo báo cáo từ các địa phương có người mắc cao, hiện dịch bệnh SXH liên tục bùng phát trên địa bàn. Điều đáng lưu ý là cho dù thời điểm hiện tại khu vực phía Nam vẫn đang là mùa khô nhưng dịch đang diễn biễn phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao thành dịch.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 224 trường hợp mắc SXH, bệnh nhân mắc rải rác tại 29/30 quận, huyện, thị xã, 125 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong, song theo khuyến cáo của các chuyên gia và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội: Do SXH chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp quan trọng số một vẫn là kêu gọi người dân chủ động phòng ngừa.

Tại khu vực phía Bắc, hiện đang là thời điểm mùa hè, thời tiết nắng lắm mưa nhiều, biển đổi khí hậu cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, dân cư biến động... là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh nói chung và dịch SXH phát triển. Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy)... Với các bệnh khác đã có vắc xin phòng bệnh thì phụ huynh chưa chủ động đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Cùng với đó, hiện vẫn còn không ít người có nhận thức sai, vẫn hiểu lầm trong phòng chống, điều trị SXH. Rất nhiều người nghĩ rằng với SXH thì bị một lần rồi sẽ không mắc lại nữa. Trong khi thực tế, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus này thì vẫn có thể bị mắc lại chủng virus khác và thậm chí lần mắc sau còn nặng hơn lần trước. Với triệu chứng của bệnh, người mắc SXH thường sốt cao trong 3 ngày đầu tiên, tới ngày thứ 4 thì giảm sốt, điều này khiến nhiều người nghĩ giảm sốt là khỏi bệnh. Tuy vậy, theo các chuyên gia, đây là suy nghĩ sai lầm, bởi thời điểm giảm sốt đối với bệnh nhân mắc SXH lại là thời điểm nguy hiểm nhất, tại thời điểm này người bệnh dễ gặp những biến chứng nặng.

Đáng quan ngại hơn là tâm lý “tự khám bệnh, tự điều trị” của một bộ phận không nhỏ người dân. Tự chẩn đoán bệnh, nghi có dấu hiệu SXH là lập tức ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau về uống, phổ biến nhất là uống 2 loại thuốc Aspirin và ibuprofen. Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, trên thực tế 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh SXH trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Hay trong quá trình phòng dịch, nhiều người quan niệm rằng chỉ cần phun thuốc muỗi một lần là yên tâm không lo mắc bệnh. Thực tế, sau khi phun thuốc diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó mà thôi…

Trước nguy cơ dịch bệnh mùa hè lan nhanh, đặc biệt là nguy cơ bùng phát dịch SXH trên diện rộng, Bộ Y tế nhấn mạnh, phòng bệnh là quan trọng, chứ không phải đợi đến khi có bệnh rồi mới vội vàng đi chữa trị. Phân tích kỹ hơn, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý: Các yếu tố có nguy cơ để SXH phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu trong môi trường sống. Do đó, để quyết liệt hơn với công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền trong nhân dân, cộng đồng các biện pháp kiểm soát tốt nhất các ổ bọ gậy ngay từ chính gia đình mình; đối với các quận, huyện, thị xã, tiếp tục triển khai các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, nhất là ở những khu vực có ổ dịch cũ và chủ động phối hợp với ngành y tế trong việc phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Phía ngành y tế tiếp tục giám sát và có cảnh báo với những khu vực xuất hiện dịch bệnh để các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý, tránh để lan rộng. Khi đã cảnh báo và khuyến cáo các biện pháp phòng, chống, nếu các quận, huyện, thị xã không triển khai, để xuất hiện dịch, Sở sẽ báo cáo thành phố có biện pháp xử lý đối với lãnh đạo địa phương đó.

Một yêu cầu được các chuyên gia y tế đặc biệt lưu ý với người dân, khi nghi ngờ bị SXH, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, không được tự mua thuốc về điều trị bởi để đến khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, thì việc điều trị sẽ vô cùng phức tạp, khó cứu chữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể chủ quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO