Không thể dùng quyền lực mềm hù dọa doanh nghiệp

Nguyên Khánh 25/12/2019 07:00

“Phải chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền dùng quyền lực mềm hù dọa doanh nghiệp (DN) và loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của DN” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị của Thủ tướng với cộng đồng DN ngày 23/12.

Tiếp tục phương châm hành động của Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN, thời gian qua, các cấp các ngành đã rất nỗ lực để tạo những điều kiện tốt nhất cho DN. Có thể nói, chưa có thời kỳ nào Đảng, Chính phủ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ như hiện nay với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN bằng việc liên tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, các thủ tục hành chính được cho là gây khó cho DN dù việc cắt giảm điều kiện này chưa bao giờ dễ dàng.

Nhờ vậy môi trường kinh doanh được cải thiện. Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Đây rõ ràng là kết quả cho thấy sự nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ suốt thời gian qua.

Môi trường kinh doanh được cải thiện vượt bậc như vậy nên đã tác động không nhỏ đến DN. Thực tế thời gian qua DN Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với số lượng DN thành lập mới liên tục lập kỷ lục mới. (Trung bình từ 2016-2019, mỗi năm có khoảng 120.000 DN thành lập mới, so với mức 70.000-80.000 DN mỗi năm trước đây). Đặc biệt, có tới gần 40.000 DN tăng vốn với số vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng, tức là nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới. Và đây là nguồn vốn thật, là nguồn lực khổng lồ, đến từ các DN đang kinh doanh, đang chứng kiến sự cải thiện môi trường kinh doanh.

Nhiều thành tích đáng để tự hào như vậy nhưng điều đó không có nghĩa môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta đã thông thoáng thật sự và DN đã hoàn toàn hài lòng.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Đại học Fulbright nhận định, nhiều nơi, đặc biệt là các sở, ngành còn vô cảm trước khó khăn của DN. “Họ chưa xem khó khăn của DN là của mình”. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thông tin, VCCI đã rà soát và “điểm danh” 20 điểm chồng chéo trong thủ tục hành chính, xây dựng. “Xung đột pháp luật này đang bó tay bó chân DN, địa phương, nhưng lại chậm trễ được giải quyết”. Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng, công bố mới nhất của VCCI cho thấy 55% DN vẫn phải có chi phí không chính thức cho bộ máy công chức, viên chức. Mặc dù so với lần khảo sát trước đã giảm 11%. Trong cái “bôi trơn” này được chia thành 2 loại, một là “bôi trơn” nhỏ, lẻ; hai là “bôi trơn” lớn, chiếm 10% doanh thu của DN. Trong đó có tới 30,8% DN phải “bôi trơn” lớn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Theo các chuyên gia, có một thực tế là chúng ta cắt giảm điều kiện kinh doanh, các ngành báo cáo cắt giảm 50% nhưng thực tế qua khảo sát các DN thì chưa đầy 30% là cắt giảm hẳn, còn lại nói là cắt giảm nhưng thực tế vẫn còn. Hay như kiểm tra chuyên ngành, vẫn còn 19% mặt hàng phải kiểm tra, quá lớn. Và chắc hẳn cộng đồng DN chưa quên Chỉ thị 20 của Thủ tướng về việc chỉ được kiểm tra DN duy nhất 1 lần trong năm nhưng thực tế tỷ lệ DN hàng năm chịu thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên vẫn còn rất nhiều. Thực tế này cho thấy dù Chính phủ đã rất nỗ lực nhưng DN vẫn chưa hết khó.

Ngay tại cuộc đối thoại với DN, Thủ tướng thông tin, cá nhân ông nhận được nhiều tin nhắn đại ý “cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài”. Chính vì vậy Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải kiểm soát việc này. Phải chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền dùng quyền lực mềm hù dọa DN và loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của DN”.

Muốn loại bỏ được tình trạng lạm quyền của cán bộ để tháo gỡ khó khăn cho DN thực sự, ngay tại phiên đối thoại Thủ tướng đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của DN.

Và để loại được cán bộ có cố tình gây khó dễ cho người dân DN thì giải pháp đưa ra không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ mà đi liền với đó là phải xử lý nghiêm khắc cá nhân, tập thể vi phạm nếu đủ bằng chứng. Tóm lại quyền lực phải được kiểm soát, phải có cơ chế quản lý, hạn chế thấp nhất tình trạng trạng xin cho nhất là những vấn đề liên quan tài chính, ngân sách, tài nguyên tạo kẽ hở cho những sự nhũng nhiễu tiêu cực. Đồng thời cần tiếp tục công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến DN để cán bộ không còn cớ để “hành” DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể dùng quyền lực mềm hù dọa doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO