'Kích' khả năng cạnh tranh của nông sản Việt

Hữu Nguyên 27/08/2015 06:10

Vấn đề sống còn đặt ra hiện nay là cần phải cải cách tận gốc để có thể nhanh chóng nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, ít nhất là với các quốc gia trong khu vực.

'Kích' khả năng cạnh tranh của nông sản Việt

Việt Nam có thừa lợi thế về nguồn nguyên liệu
cho các sản phẩm đồ uống, giải khát đóng chai, đóng hộp.

Là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhưng phần lớn nông sản xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với nhiều nước trong khu vực. Từ năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và bắt đầu có hiệu lực, bên cạnh việc mở ra cơ hội đồng thời cũng xuất hiện không ít sức ép, nguy cơ đối với nông sản Việt Nam. Do đó, vấn đề sống còn đặt ra hiện nay là cần phải cải cách tận gốc để có thể nhanh chóng nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, ít nhất là với các quốc gia trong khu vực.

Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đều là sản phẩm của một nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch, kém đầu tư công nghệ và không tuân thủ các quy chuẩn nghiêm ngặt của thế giới. Về mặt thương mại, suốt nhiều thập kỷ tham gia sân chơi toàn cầu, chúng ta cũng chưa có những thành công lớn trong việc xây dựng thương hiệu đặc thù mang giá trị quốc tế cho nông sản Việt Nam. Thực tiễn thương mại toàn cầu cho thấy, khi một quốc gia sở hữu riêng một loại sản phẩm nào đó mà các quốc gia khác không thể có hoặc có lợi thế kém hơn hẳn thì quốc gia sở hữu sản phẩm đó sẽ có lợi thế tuyệt đối trong cạnh tranh.

Cùng là những nước xuất khẩu nông sản, nhưng nhiều năm qua các mặt hàng của Việt Nam luôn có giá trị thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực từ 10 đến 15%. Cụ thể, gạo Việt Nam giá bán luôn thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan từ 3-5%; chè (trà) đứng thứ 5 về sản lượng nhưng xếp thứ 10 về giá bán; sản lượng cá tra Việt Nam chiếm đến 90% thị phần trên thế giới nhưng giá bán lại thấp hơn 20-30% so với các sản phẩm tương tự của các nước khác..

Tại thị trường nội địa, không hiếm các ví dụ cụ thể cho thấy chúng ta cũng đã thua ngay trên sân nhà. Là một nước xuất khẩu chè (trà) số lượng lớn với giá rẻ, trong khi nhiều người tiêu dùng Việt Nam lại đang uống một số loại chè (trà) nhập khẩu từ Nhật Bản với giá 4 – 5 triệu đồng một ký. Đơn giản, bởi họ không chỉ uống chè (trà), mà còn thưởng thức cả một nền văn hóa trà đạo truyền thống độc đáo.

Nhiều người Việt cũng đang sử dụng khá phổ biến một sản phẩm đóng chai là nước gạo truyền thống của Hàn Quốc với giá không rẻ. Trong khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với giá thấp hơn hẳn nhiều nước láng giềng. Sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm qua cũng chỉ đứng sau Brazil, song chỉ mới đây nhờ tập đoàn Strabucks của Mỹ thì cà phê Arabica Cầu Đất của Đà Lạt, Lâm Đồng mới được chính thức công nhận trở thành một trong 7 loại cà phê ngon nhất thế giới được đưa vào giao dịch toàn cầu.

Là một quốc gia sở hữu nhiều loại trái cây, rau quả nhiệt đới vô cùng đa dạng, Việt Nam có thừa lợi thế về nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm đồ uống, giải khát đóng chai, đóng hộp. Thế nhưng, tràn ngập các đường phố, ngõ ngách, xóm làng, thôn ấp là các sản phẩm nước ngọt đóng chai của Coca Cola, Pepsi, nước tăng lực Thái Lan, nước có ga các loại… Có vẻ như thị trường đồ uống Việt Nam đang nhường chỗ cho những loại đồ uống công nghiệp của các hãng nước ngoài, hoặc học theo nước ngoài hơn là các sản phẩm nội địa được xây dựng trên nền tảng nguyên liệu phong phú, đa dạng và giàu năng lượng, có lợi cho sức khỏe. Trong khi, hàng triệu gia đình nông dân Việt Nam hàng năm đều phải đối mặt với vấn nạn trái cây, rau quả tới mùa thì mất giá, không sao tiêu thụ được.

Thực tế phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta nhiều năm qua cho thấy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là những vấn đề căn cơ của nền kinh tế. Nếu sản xuất nông nghiệp nước ta không mau chóng thoát khỏi trình độ thấp, chủ yếu theo mô hình hộ cá thể, manh mún; sản xuất theo phong trào, mù thông tin, chưa gắn với quy hoạch phát triển và định hướng thị trường thì con đường tiến lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại của Việt Nam sẽ còn lắm chông gai.

Những năm gần đây Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cố gắng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, tăng cao giá trị và năng lực cạnh tranh, song vẫn còn không ít tồn tại, lúng túng và vướng mắc khi thực hiện. Điều đó khiến cho hiệu quả của các chính sách đầu tư, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa thực sự như mong muốn. Cho tới giờ này, bên thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN chuẩn bị ra đời, giá nông sản và người nông dân Việt Nam vẫn chưa xác định được vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong tình thế cấp bách, bên cạnh các chính sách dài hạn, nhiều chuyên gia đề nghị Chính phủ cần xem xét xác định lợi thế ưu tiên trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp Việt Nam để tập trung đầu tư.

Điều quan trọng là phải xác lập được sản phẩm có lợi thế ưu tiên và xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất cho các sản phẩm này đáp ứng mọi yêu cầu cạnh tranh trên thị trường thế giới.Trong đó, Chính phủ cần hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Kích' khả năng cạnh tranh của nông sản Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO