Kiên quyết nói 'không' với gian dối

Vi Cầm 25/04/2019 09:00

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ duy khối trường Công an có quyết định buộc thôi học tất cả các thí sinh nằm trong diện được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, cho dù sau thẩm định, điểm của các thí sinh đó vẫn đủ để theo học.

Còn lại các khối trường khác vẫn có hai phương án xử lý thí sinh. Đó là buộc thôi học với thí sinh không đủ điểm và vẫn để tiếp tục theo học nếu đủ điểm. Riêng khối các trường quân đội, hiện vẫn chưa có số liệu về xử lý thí sinh liên quan đến gian lận thi THPT quốc gia.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ GDĐT tại Phiên họp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hôm 23/4, hiện trong số 108 thí sinh được nâng điểm tại Sơn La, Hòa Bình có 1 thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017 đã nhập học vào Học viện An ninh; 1 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp; 81 thí sinh đã nhập học vào 26 cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước, 13 thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển và nhập học tại các cơ sở giáo dục ĐH.

Cùng theo báo cáo này, trong số 108 thí sinh nói trên, có 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển, nên trước mắt trong quá trình điều tra các trường đang cho thí sinh tiếp tục theo học. Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ GDĐT cho hay quan điểm của Bộ là sẽ xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.

Nhưng tại sao quá trình điều tra, xem xét lại lâu đến vậy? Tại phiên họp này Bộ Công an cho biết, việc tìm lại điểm thi gốc rất khó khăn, phức tạp. Hiện nay, cơ quan điều tra mới khôi phục được điểm vì bài thi trắc nghiệm nên không biết khoanh tròn nào là của học sinh, khoanh tròn nào là của người sửa bài…Do đó, việc công bố các thông tin liên quan đến quá trình điều tra như danh tính của thí sinh và các đối tượng có liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Công an và chỉ được công khai đầy đủ sau khi kết thúc quá trình điều tra của cơ quan an ninh điều tra.

Bộ Công an và Bộ GDĐT đã thống nhất sau khi có kết luận chính thức cuối cùng của cơ quan an ninh điều tra, căn cứ tình hình cụ thể, sẽ phối hợp để xử lý trên tinh thần đúng pháp luật, nghiêm minh, khách quan và không gây các tác động tiêu cực làm ảnh hưởng không tốt tới đời sống xã hội…

Dẫu thế, rất nhiều băn khoăn đang được đặt ra, rằng tại sao những thí sinh đã vướng án gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La (cho dù điểm thật vẫn đỗ), vẫn được xét tuyển ĐH? Trong khi những thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, dù chưa sử dụng đã bị đình chỉ, hủy kết quả thi. Tại sao thời điểm này, mới chỉ có khối các trường Công an kiên quyết hủy kết quả trúng tuyển, trả về địa phương thí sinh nằm trong diện nâng điểm?…Trong khi lẽ ra khối các trường dân sự, khối các quân đội cũng đã phải mạnh tay như vậy để lấy lại sự công bằng, cũng như niềm tin của người học, của xã hội trước một kỳ thi mang tầm quốc gia.

Hiện nay, việc các trường ĐH có những xử lý khác nhau với thí sinh liên quan đến kết quả thi của thí sinh THPT quốc gia 2018 đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, băn khoăn: Tại sao những thí sinh gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 không được xử lý sớm hơn để đỡ tốn công sức, tiền bạc và những hệ lụy khác?

Khác với việc cho các thí sinh mắc án gian lận thi cử năm 2018 có cơ hội sửa sai trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, việc không buộc thôi học với các thí sinh gian lận điểm thi THPT mà điểm “gốc” vẫn đủ xét tuyển vào các trường ĐH- đang bị dư luận chỉ trích là một sự đồng lõa/dung túng cho gian dối. Điều này đi ngược lại với cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã được phát động và thực hiện từ hơn mười năm trở về trước. Khi ấy, chủ trương này được coi như một giải pháp đột phá nhằm chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, nếu những tiêu cực trong thi cử cũng như sự thiếu trung thực còn tiếp diễn, e sẽ khó lấy lại được niềm tin của người học, của dư luận xã hội trước những nỗ lực đổi mới và chấn hưng giáo dục.

Theo phân tích từ các chuyên gia giáo dục, việc phanh phui và xử lý vi phạm gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thời gian qua, đã thể hiện cố gắng của những cơ quan có trách nhiệm trong việc đưa các mảng tối trong giáo dục ra ánh sáng. Đây chính là một cơ hội để tất cả chúng ta nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục hiện nay, cũng như sự gian dối trong xã hội nói chung. Nếu cái lõi trung thực của giáo dục không sớm được củng cố thì, như một hệ quả tất yếu, chúng ta sẽ có những sản phẩm giáo dục là những con người trưởng thành quen với sự giả dối, quen với việc đeo mặt nạ…

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh và yêu cầu Bộ GDĐT nghiên cứu, xử lý nội dung liên quan đến việc các thí sinh Hà Giang được nâng điểm, sớm báo cáo Thủ tướng.

Trước đó, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, cơ quan chức năng phát hiện tại Hà Giang có 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm, cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

M.Quang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết nói 'không' với gian dối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO