Kỳ tích xuất khẩu

Hà Linh 21/12/2017 08:25

Đó cũng là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi lễ ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt tổng kim ngạch 400 tỷ USD vừa được tổ chức tại Tổng cục Hải quan chiều 19-12. Để đạt được kỳ tích này trong bối cảnh thiên tai bão lũ liên miên, trong những khó khăn áp lực đến từ bên ngoài … là điều không hề đơn giản.

Kỳ tích xuất khẩu

Xuất khẩu gạo là thế mạnh của Việt Nam.

Cụ thể, sau khi nghe Tổng cục Hải quan báo cáo về con số xuất nhập khẩu của toàn nền kinh tế đã đạt, vượt 400 tỷ USD, Phó Thủ tướng nhớ lại: “Cách đây 6 năm, khi còn trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, vào ngày 25-12-2011, tôi cùng Tổng cục Hải quan chứng kiến sự kiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 200 tỷ USD. Sau 6 năm, khi nhìn lại, con số này đã tăng lên hơn gấp đôi. Bước vào đầu thế kỉ XXI, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt 30 tỷ USD thôi. Thời điểm gia nhập WTO, con số này tăng lên 3 lần, đạt 100 tỷ USD. Nhưng 4 năm sau khi gia nhập WTO, vào năm 2011 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 200 tỷ USD, năm 2015 đạt được 300 tỷ USD”. Phó Thủ tướng phân tích và ghi nhận: “Từ 200 tỷ USD lên 300 tỷ USD chúng ta mất 4 năm. Nhưng từ 300 tỷ USD lên 400 tỷ USD chúng ta chỉ mất nửa khoảng thời gian đó, tức là 2 năm.

Vậy nên, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ mức 300 tỷ USD tăng lên 400 tỷ USD sau 2 năm “có thể coi là kỳ tích”. Bởi lẽ vào những năm đầu thập kỷ 90, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt 2,5 tỷ USD. Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng kể lại mình vừa có chuyến thăm Cơ quan Phát triển và Thương mại của Liên hợp quốc. So sánh các dấu mốc trong phát triển thương mại của Việt Nam, vị quan chức của Liên hợp quốc tỏ ra khâm phục và rất ngạc nhiên “không hiểu điều gì đã xảy ra ở Việt Nam” khi trong thời gian ngắn đã đạt được những thành quả đó. Ông bảo: “Dấu mốc kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mốc 400 tỷ USD là thành tích của cả nước, là sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, mỗi người nông dân. Còn những người phục vụ trực tiếp là cán bộ công chức ngành Hải quan, đóng góp lớn vào kỳ tích này”.

Không nỗ lực sao được khi thực tế chỉ ra rằng trong năm qua, nền kinh tế của nước ta đã đối diện với khá nhiều khó khăn thua thiệt, bão lũ thiên tai luôn rình rập, áp lực từ thị trường bên ngoài ngày một gia tăng. Ngành “chủ công” trong xuất khẩu là ngành nông nghiệp hứng chịu nhiều rủi ro do thiên tai. Về cơ cấu, nộng - lâm - thủy sản trước chiếm 25%, thì nay còn 12%; còn 88% là hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm nhưng số tuyệt đối lại tăng nhanh. Theo Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch nông - lâm - thủy sản đạt 30-35 tỷ USD, đó cũng là thành tích đáng nể.

Thực tế, vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao thương quốc tế đã có nhiều cải thiện tích cực. Năm 2007 khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Việt Nam xếp thứ 50, đến nay chúng ta đã tăng 24 bậc, lên vị trí 26. Còn nhập khẩu trước ở vị trí thứ 41, thì đến nay đã tăng 16 bậc, lên vị trí 25. Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như giai đoạn 2007-2015 hầu hết Việt Nam rơi vào trạng thái nhập siêu thì năm 2016 Việt Nam đã xuất siêu 1,78 tỷ USD, dự kiến cả năm 2017 xuất siêu 3 tỷ USD.

Điều còn lại để chúng ta tiếp tục giữ vững và phát huy “phong độ” trong lĩnh vực xuất khẩu là cần tích cực hơn thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan theo chiến lược phát triển ngành đến năm 2020; chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao hải quan điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tăng cường CNTT và trang thiết bị đồng bộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Đồng thời, ngành hải quan làm tốt vai trò là cơ quan thường trực về hải quan một cửa, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đảm bảo tiết giảm hơn nữa thời gian thông quan.

Về phía doanh nghiệp và người dân cũng cần nỗ lực hơn nữa, tiết chế và khắc phục mọi khó khăn, tập trung đầu tư các sản phẩm sạch, đạt mọi yêu cầu và điều kiện cho xuất khẩu, đương nhiên sẽ thành công hơn.

Năm 2007 khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Việt Nam xếp thứ 50, đến nay chúng ta đã tăng 24 bậc, lên vị trí 26. Còn nhập khẩu trước ở vị trí thứ 41, thì đến nay đã tăng 16 bậc, lên vị trí 25. Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như giai đoạn 2007-2015 hầu hết Việt Nam rơi vào trạng thái nhập siêu thì năm 2016 Việt Nam đã xuất siêu 1,78 tỷ USD, dự kiến cả năm 2017 xuất siêu 3 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ tích xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO