Lắng nghe dư luận

Hư Trúc 30/03/2016 10:35

Trước phản ứng của dư luận đối với việc “xóa bỏ” hàng trăm cây cổ thụ lâu đời trên đường Tôn Đức Thắng, cơ quan có trách nhiệm tại TP Hồ Chí Minh đã kịp thời thay đổi chủ trương, điều chỉnh giải pháp để cứu lấy cây xanh. Lại thêm một tính huống cộng đồng đau đáu muốn bảo vệ cây xanh. Và thêm một bài học kinh nghiệm về sự lắng nghe ý kiến nhân dân, nhất là trong việc thực hiện quy hoạch tác động đến môi trường an sinh xã hội.

Để có mặt bằng thi công dự án tuyến Metro, chính quyền TP Hồ Chí Minh có chủ trương đốn hạ, đốn dưỡng, di dời khoảng 300 cây xà cừ trồng từ thời Pháp thuộc tại đường Tôn Đức Thắng, Q1. Hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng đã xuất hiện lâu đời. Đây là một trong ít con đường có niên đại từ những năm đầu khi người Pháp kiến thiết xây dựng thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Con đường này gắn với nhiều thế hệ người dân Sài Gòn - Bến Nghé, in dấu trong tâm thức những người sinh ra và lớn lên nơi đây.

Sau khi có thông tin “đụng chạm” đến hàng cây xanh gắn liền với biết bao hoài niệm, một số ý kiến chuyên môn đề nghị TP Hồ Chí Minh bảo vệ cây xanh như bảo tồn một di sản trăm tuổi góp phần làm đẹp con đường ở trung tâm thành phố.

Hay tin hàng trăm cây cổ thụ sẽ bị đốn chặt, dư luận hết sức nuối tiếc, băn khoăn, nhiều người bày tỏ ý chí mạnh mẽ, mong muốn cơ quan có thẩm quyền giữ lại hàng cây xanh để tạo bóng mát, không khí trong lành. Điều này cho thấy nhiều người dân không thờ ơ mà đang thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, phát huy quyền làm chủ trong khuôn khổ quy định của luật pháp.

Điều đáng nói là đây không phải quy hoạch lại cây xanh đường phố mà dường như các đơn vị liên quan chỉ đang tìm mặt bằng cho dự án tuyến Metro. Dù là một dự án lớn làm thay đổi nhiều mặt trong sinh hoạt và sản xuất cũng như du lịch của TP HCM, nhưng vẫn rất cần cân đối hài hòa lợi ích các bên. Trước phản ứng của dư luận xã hội, các quan chức thành phố cam kết sẽ giữ màu xanh cho đường Tôn Đức Thắng, và đây chỉ là đốn dưỡng, di dời cây xanh thay vì nhổ đi trồng cây khác như một cuộc “thay máu cây xanh” mà một số nơi từng làm.

Vụ việc chưa đến mức gây ra những bức xúc dư luận như vụ chặt cây xanh tại Hà Nội hay như vụ phá một cây cầu nhỏ 100 tuổi tại TP Tân An tỉnh Long An mới đây. Cơ quan có trách nhiệm tại TP HCM đã kịp lắng nghe, giải thích và nhất là cam kết sẽ giữ màu xanh cho con đường. Đây không phải sự triệt hạ mà là đưa cây xanh trăm tuổi vào xây dựng công trình mới hiện đại trong giải quyết nhiều khó khăn của một thành phố 10 triệu dân.

Cơ quan có trách nhiệm đã kịp thời lắng nghe dư luận, kịp thời điều chỉnh giải pháp nhằm bảo vệ hàng trăm cây cổ thụ. Qua đó cho thấy bài học kinh nghiệm trong công tác chỉnh trang quy hoạch, hiện đại hóa đô thị. Thực tế hiện nay không ít đô thị của chúng ta đã có thể xếp loại “thành cổ” với những kiến trúc mang dấu ấn của mấy thời kỳ lịch sử, trong đó có hệ thống cây xanh, những cây cầu nhỏ nội đô... Một số lớn di sản văn hóa đã xuống cấp. Các ngôi trường 100 tuổi như trường THPT Châu Văn Liêm tại TP Cần Thơ là một ví dụ, cần được tôn tạo.

Chỉnh trang hoặc di dời để có mặt bằng xây dựng những công trình hiện đại phục vụ kinh tế, dân sinh là một yêu cầu cần được thực hiện. Thế nhưng, việc hiện hại hóa phải gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa, tinh thần và nhất là quá trình quy hoạch, thực hiện các hạng mục dự án quan trọng tác động đến cộng động cần phải có cơ chế ghi nhận ý kiến nhân dân và các giới chức. Nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống của những công trình cần đưa vào quy hoạch. Cho nên, các dự án tác động đến cộng đồng, khi quy hoạch được công bố rộng rãi rất cần lấy ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân và lắng nghe tiếng nói của dân một cách khách quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe dư luận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO