Liên kết để cùng phát triển

Bắc Phong 25/06/2019 08:00

Hôm nay, ngày 25/6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - nơi được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia.

Sự kiện này một lần nữa cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các vùng kinh tế - xã hội và các vấn đề mang tính chất liên vùng.

Liên kết để cùng phát triển

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có hạ tầng giao thông khá hiện đại và đồng bộ Ảnh: VGP.

Hiện đất nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh, thành phố), Trung Bộ (5 tỉnh, thành phố), Nam Bộ (8 tỉnh, thành phố) và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (4 tỉnh, thành phố). 4 vùng kinh tế trọng điểm này với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên và 27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP đất nước.

Riêng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển và là đầu mối kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các vùng kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Với diện tích tự nhiên khoảng 15.591 km2 (chiếm 4,7% cả nước); quy mô dân số 16,14 triệu người (chiếm 17% cả nước), quy mô kinh tế của Vùng đứng thứ 2 cả nước, chiếm gần 32% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm trên 31%, xuất khẩu hàng năm chiếm trên 30%.

Thực tế cho thấy, các vùng kinh tế trọng điểm đều có sự liên kết ở mức độ khác nhau một cách tự nhiên, bởi nhiều yếu tố, trước hết là yếu tố địa lý. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nếu chỉ dừng lại ở liên kết tự nhiên thì đó là mối liên kết lỏng lẻo, không phát huy được lợi thế của từng địa phương trong tổng thể chung của vùng. Lâu nay, giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ như vậy là do vai trò “nhạc trưởng” của vùng khá mờ nhạt, vẫn diễn ra việc “mạnh ai nấy làm” vì lợi ích cục bộ của địa phương mình. Trong quá trình tăng tốc phát triển của đất nước cùng sự hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trước làn sóng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho thấy hơn lúc nào hết việc liên kết chặt chẽ trong vùng và sức lan tỏa của vùng là hết sức quan trọng. Sự liên kết ấy đem đến sức mạnh tổng thể mà nếu làm ăn riêng lẻ sẽ không bao giờ có được.

Với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, riêng về hạ tầng, những năm qua đã có sự đầu tư mạnh, là cơ sở cho sự liên kết. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có hạ tầng giao thông hiện đại, nổi bật là các tuyến cao tốc (Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hạ Long - Hải Phòng). Khu vực này cũng có những tuyến hàng không quan trọng, trong nước và quốc tế gồm sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi, sân bay Vân Đồn; cùng đó là các cảng biển quan trọng (Cảng Quốc tế tại Lạch Huyện, Cảng Cái Lân). Đây cũng là vùng có nhiều điểm tương đồng về địa lý, khí hậu, văn hóa… thuận lợi cho việc liên kết. Khu vực này cũng là nơi có nguồn lao động chất lượng cao, với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, trường dạy nghề.

Trong những năm qua, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã có những thành tựu đáng chú ý. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tăng trưởng GRDP bình quân của Vùng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9% (gấp 1,25 lần bình quân chung của cả nước); GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 5.500 USD.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt một số kết quả, nhưng công tác điều phối và liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn một số tồn tại, vướng mắc. Đáng chú ý, vẫn theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh. Những hoạt động của Hội đồng Vùng chủ yếu là sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các Bộ, ngành và các địa phương. Sự năng động trong phát triển ở một số địa phương chủ yếu do sáng kiến của lãnh đạo ở từng tỉnh/thành.

Như vậy, trở lại vấn đề cốt lõi của vùng trọng điểm kinh tế (ở đây là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), vấn đề nổi lên vẫn là cơ chế để sự liên kết thực sự có hiệu quả. Sự liên kết ấy không thể chỉ dừng lại ở tính ngắn hạn, mang tính thời vụ, mà phải là sự liên kết theo chiều sâu bền vững. Vấn đề hết sức quan trọng trong mối liên kết đó phải là quy hoạch phát triển chung, cùng liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn... Lợi thế của mỗi địa phương phải đặt trong tổng thể của toàn vùng. Nói cách khác thì mỗi địa phương cần “giảm bớt cái tôi” của mình trên cơ sở nhận thức vùng phát triển thì tỉnh/thành phố mình cũng phát triển.

Chính vì thế, Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ lần này do Thủ tướng Chính phủ chủ trì được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc căn bản, hoạch định rõ hơn mối liên kết để phát triển, phát huy lợi thế từ những gì đã có để bứt phá. Không chỉ cho từng địa phương mà còn cho toàn vùng, từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết để cùng phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO