Lỗ hổng môi trường

Hữu Nguyên 26/08/2016 09:09

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân. Thực trạng môi trường đang đặt ra những thách thức, bộc lộ sự yếu kém trong quản lý mà chưa có giải pháp giải quyết cơ bản ở các địa phương cũng như ở các cơ quan trung ương.

Lỗ hổng môi trường

Cá chết dạt lên bờ do ô nhiễm môi trường từ sự cố xả thải của Công ty Formosa.

Điều đáng nói là, thoạt nhìn qua hệ thống văn bản luật pháp, nhiều chuyên gia khẳng định rằng Việt Nam không thiếu những công cụ pháp lý quản lý môi trường. Thế nhưng, vấn đề là nhiều “con voi” đã chui lọt qua “lỗ kim”, nhiều dự án gây hậu quả môi trường, xã hội nghiêm trọng vẫn ngang nhiên tồn tại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng rõ ràng là ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt, bộ máy chưa theo kịp các vấn đề ngày càng phức tạp của công tác bảo vệ môi trường, cán bộ vừa thiếu trách nhiệm vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, các cơ quan quản lý nhà nước vừa chồng chéo vừa lỏng lẻo, “cha chung không ai khóc”.

Đề cập vụ tới vụ Formosa, Thủ tướng cho rằng tính chất vụ việc rất nghiêm trọng vậy mà chỉ khi người dân nói, báo chí vào cuộc, cơ quan chức năng mới vào làm. Như vậy cả hệ thống ở đâu? Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần phải triển khai các biện pháp “cứng rắn” trong bảo vệ môi trường, không để xảy ra tình trạng “bắn chỉ thiên”, xảy ra ô nhiễm nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Báo cáo của Bộ TN&MT nhấn mạnh Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nhằm cạnh tranh với các nước khác trong thu hút đầu tư FDI. Chính vì vậy, sản xuất của doanh nghiệp vốn FDI cũng đang gây nên những tác hại rất lớn rất lớn đối với môi trường.

Ví dụ như xả thải của Công ty Vedan, Miwon trước đây, sự cố biển do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung, khói bụi ô nhiễm của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy giấy Lee&Man gây ô nhiễm ở Hậu Giang… Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để tuồn những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Có thể thấy sự lúng túng trong cơ chế quản lý gắn liền với trách nhiệm giám sát, kiểm soát môi trường. Kể từ khi phân cấp cấp phép gần như toàn bộ các dự án FDI cho chính quyền địa phương, thì việc thẩm định, đánh giá các dự án FDI - từ năng lực tài chính, đến ô nhiễm môi trường - cũng “phó mặc” cho địa phương. Ví dụ như Giấy chứng nhận đầu tư của Formosa là Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp.

Formosa là nhà máy thép có nguồn xả thải khổng lồ dù chưa đi vào vận hành, nhưng việc giám sát, kiểm tra ô nhiễm môi trường thực tế là ủy thác cho các cơ quan địa phương.

Các cơ quan này lại thiếu năng lực, thiếu kỹ thuật, thiếu nhân sự và thậm chí là thiếu cả trách nhiệm để thực thi công vụ. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về vốn đầu tư nước ngoài là Bộ KH&ĐT lại đứng ngoài cuộc. Cơ chế này đã không buộc được trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương, mà hầu như ủy thác hết các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước cho địa phương.

Thực tế này không chỉ với Formosa, ngay tại khu vực miền Trung có những doanh nghiệp đầy tai tiếng với môi trường như Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin ở Khánh Hòa mà các cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để được. Điều này càng khiến người ta thêm lo lắng khi mà dọc theo ven biển miền Trung đang mọc lên hàng loạt khu công nghiệp, nhà máy hóa dầu, nhà máy thép, nhà máy đóng tàu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Trong một báo cáo về FDI, Bộ KH&ĐT thừa nhận quy định về môi trường của Việt Nam tuy áp dụng chuẩn của các nước phát triển, song việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, tập trung nhiều vào khâu tiền kiểm dẫn đến nhiều dự án khi triển khai đã vi phạm nghiêm trọng quy định về môi trường, gây tác động lâu dài tới sức khỏe người dân và hệ sinh thái khu vực.

Không ít dự án nhập khẩu máy móc thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường không được phát hiện kịp thời. Đang có chiều hướng dịch chuyển dòng FDI tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam trong khi nhiều địa phương không có điều kiện kiểm soát môi trường hiệu quả.

Các chuyên gia cảnh báo, cơ chế kiểm soát môi trường ở Việt Nam hiện đang có những “lỗ kim” rất to, tạo điều kiện cho các công chức tha hóa cũng như một số địa phương vì lợi ích riêng mà sẵn sàng đưa nhiều “con voi” chui lọt qua dễ dàng. Những “lỗ kim rất to” đó là: thiếu đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), chất lượng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thấp, tham vấn cộng đồng qua loa và thiếu giám sát thực hiện các biện pháp quản lý môi trường sau ĐTM.

Việt Nam rất hiếm khi thực hiện ĐMC để giúp lãnh đạo ra quyết định khi phê duyệt chủ trương. Thay vào đó, ĐTM được xem là cơ sở phê duyệt dự án. Nhược điểm của cách làm này là muộn màng và tác động bị xé lẻ ra, không cho thấy bức tranh tổng thể. Mặt khác, luật pháp Việt Nam cho phép chủ đầu tư tự làm ĐTM thông qua thuê tư vấn và trong một số trường hợp chính đại diện chủ đầu tư làm lãnh đạo nhóm làm ĐTM. Đây rõ ràng là sự mâu thuẫn lợi ích vì có chủ đầu tư nào tự làm ĐTM để dự án không hoặc khó được phê duyệt.

Tham vấn cộng đồng về tác động môi trường của dự án cũng đang rất hình thức. Việc này hiện giao cho chủ đầu tư gửi văn bản kèm theo bản tóm tắt Báo cáo ĐTM đến UBND và UB Mặt trận Tổ quốc địa phương sau đó nhận lại ý kiến của hai cơ quan này bằng văn bản. Cách làm này rõ ràng chỉ là một thủ tục hình thức, làm cho có.

Bên cạnh sự thay đổi quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng, các tổ chức MTTQ cơ sở cũng cần phải vào cuộc để thực sự đóng góp vai trò của mình vào công tác tham vấn cộng đồng, buộc nó phải được tiến hành minh bạch, có ý nghĩa.

Người dân phải được chuẩn bị, được cung cấp đầy đủ thông tin, để hiểu về những tác động có thể có của dự án tới đời sống, môi trường dân cư địa phương. Đồng thời, cũng cần xây dựng cơ chế giám sát của cộng đồng, cơ chế khiếu nại và giải quyết khiếu nại khi phát sinh vấn đề môi trường tại địa phương trong suốt quá trình vận hành của dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lỗ hổng môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO