Lọc 'tiến sĩ giấy'

Lê Anh Đức 22/08/2018 09:30

Tại buổi họp báo thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Bộ này đã tham mưu cho Chính phủ tạo “bộ lọc” để “gạt” bớt “thạc sĩ giấy”, “tiến sĩ giấy” khi thực hiện chủ trương thu hút nhân tài từ các sinh viên xuất sắc và các cán bộ khoa học trẻ. Theo đó, nhiều người dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thật (hoặc mua) nhưng nếu không đảm bảo hàng loạt những quy định đi kèm sẽ không thuộc diện được ưu tiên tuyển dụng.

Trên thực tế xã hội hiện nay có khá nhiều thạc sĩ và tiến sĩ “giấy”, đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Thừa cũng khẳng định rằng, nếu không tạo “bộ lọc” tốt với nhiều lớp thì sẽ để lọt những người không thực sự xuất sắc, hoặc sẽ bị nhóm lợi ích lợi dụng “cài cắm” người vào chương trình thu hút nhân tài tại các cơ quan Đảng, Nhà nước. Chưa kể con số những người thật sự xuất sắc cũng khá đông, nếu không kèm thêm các điều kiện phụ thì làm sao có thể tuyển dụng hết vào các cơ quan nhà nước được.

Khi Chính phủ ban hành Nghị định 140 cũng có một số ý kiến lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách thu hút nhân tài là các sinh viên xuất sắc, những cán bộ khoa học trẻ để bổ nhiệm người thân, “cánh hẩu”... Song, với quy định chặt chẽ tại Nghị định 140 thì sẽ không có ai, nhóm lợi ích nào có thể “cài cắm” được những người không đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn. Tất nhiên, quy định là vậy, nhưng nếu khâu thực hiện không nghiêm thì việc “lọt lưới” người không giỏi cũng là dễ hiểu.

Sự “lo xa” của một số ý kiến đó không phải là không có cơ sở khi mà hiện xã hội đang “nhan nhản” những sinh viên tốt nghiệp đại học “xuất sắc”, cơ man nào là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại chỉ ở trên... giấy, làm việc không hiệu quả, không có những đóng góp xứng đáng cho xã hội, cho đất nước trong lĩnh vực họ được giao nhiệm vụ. Tất nhiên thực tế có một số người bị giao nhiệm vụ trái ngành, trái nghề thì chất lượng làm việc yếu đã đành, song đại bộ phận những người có năng suất lao động thấp là vì những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ của họ có được không phải thực học, thậm chí là do mua mà có.

Song, với “bộ lọc” nhân tài nhiều lớp được quy định tại Nghị định 140 thì nhiều người sẽ khó lòng vượt qua nếu không thực sự xuất sắc. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định 140 quy định ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc bậc đại học, kèm kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học, trong độ tuổi 16-30 tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và phải đạt giải ba cá nhân trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia...

Nếu không đạt thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hay cấp quốc gia thì phải đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hay quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông hoặc bậc đại học; hoặc đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ GD-ĐT công nhận. Đây là những điều kiện phụ khá chắc chắn để loại những người không thực sự giỏi.

Đặc biệt, đối với những cán bộ khoa học trẻ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ muốn được lọt vào diện thu hút nhân tài của các cơ quan nhà nước cũng phải đảm bảo hàng loạt những điều kiện kèm theo tương đối khắt khe. Đơn cử, người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học phải đảm bảo ở độ tuổi 16-30 tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển, đồng thời phải có các giải cá nhân như những người có bằng đại học, chỉ cần tốt nghiệp đại học loại khá trở lên nhưng bằng thạc sĩ phải cùng chuyên ngành với bằng đại học.

Đối với người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học thì phải đảm bảo trong độ tuổi dưới 35 tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển. Ngoài việc phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như quy định đối với người có bằng thạc sĩ, người có bằng tiến sĩ còn phải đảm bảo một trong các điều kiện: Chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học và công nghệ trong nước hoặc quốc tế; tác giả chính của ít nhất 5 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín; chủ biên ít nhất 3 sách chuyên khảo; tác giả của ít nhất 2 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có ít nhất 1 sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Hành lang pháp lý về thu hút, tuyển dụng nhân tài như vậy là đã khá chặt chẽ, hầu như không còn kẽ hở cho bất cứ ông/bà “thạc sĩ giấy”, “tiến sĩ giấy” nào có thể lọt qua. Song, dù các quy định pháp luật có kín kẽ cỡ nào thì cũng vẫn còn phải phụ thuộc vào yếu tố thực hiện bởi con người. Khi mà người ta bất chấp quy định, bất chấp pháp luật thì những quy định chặt chẽ đó cũng khó thực thi Nói vậy để thấy chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút nhân tài được quy định tại Nghị định 140 là hoàn toàn đúng đắn, song nó có thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn hay không còn phải chờ thực tế triển khai thực hiện của các bộ, ban, ngành, địa phương. Dư luận chỉ biết hy vọng tới đây sẽ lọc được hết “tiến sĩ giấy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lọc 'tiến sĩ giấy'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO