Lời hứa và trách nhiệm

Hoài Vũ 04/06/2019 08:00

Hôm nay (4/6), phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày sẽ chính thức diễn ra. Bốn vị Bộ trưởng sẽ lên “ghế nóng “ trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này là: Bộ trưởng của các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hoá - thể thao và du lịch.

Những vấn đề nóng nêu ra được lựa chọn từ 190 vấn đề từ đề xuất của 48 đoàn ĐBQH; 28 vấn đề từ 16 phiếu chất vấn của ĐBQH và 96 vấn đề nổi lên qua ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 từ báo cáo của Ban Dân nguyện. Nhưng sự mong mỏi của cử tri cả nước và các ĐBQH nằm ở việc bốn tư lệnh ngành cần đưa ra được những giải pháp để giải quyết những bất cập đang là điều bức xúc trong xã hội hiện nay.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, người nhận được nhiều phiếu nhất đề nghị chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma tuý; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Ngoài nhóm vấn đề này còn có nội dung về công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm an toàn giao thông, đặc biệt là trường hợp sử dụng rượu bia, ma túy tham gia giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng.

Người có số phiếu lựa chọn cao thứ hai là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời về lĩnh vực giao thông vận tải gồm xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém. Bên cạnh đó là vấn đề quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử, đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện, quản lý giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên quốc lộ, đường bộ cao tốc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà là người trả lời về quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ ngành ra khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Còn người cuối cùng trong danh sách đăng đàn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời nhóm vấn đề về quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan, việc đầu tư xây dựng và quản lý các công trình tâm linh, quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh, công tác quản lý và phát triển du lịch. Và chốt lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - người được Thủ tướng phân công trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề mà ĐBQH quan tâm.

Có thể nói cả bốn nhóm vấn đề được lựa chọn và các bộ trưởng phải trả lời làm rõ đều là những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm đặt ra ở thời điểm hiện tại.

Ngay trước phiên chất vấn diễn ra, trao đổi với Đại Đoàn Kết, điều được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung kỳ vọng chính là bốn bộ trưởng cần làm rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ được đảm nhiệm phân công. Theo bà Dung, tình hình vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm về ma túy càng ngày càng dấy lên những lo lắng. “Từ ma túy dẫn đến tình hình tội phạm gia tăng như giết người. Sự sống của con người là quan trọng nhất được pháp luật bảo vệ nhưng vô hình trung mạng sống con người đang bị tước đoạt từ hành vi của các con nghiện. Các giải pháp hiện nay đã có nhưng điều cần đặt ra vào lúc này là vấn nạn ma túy phải được trừng trị một cách nghiêm minh và Bộ trưởng Bộ Công an cần phải đưa ra những giải pháp quyết liệt để thực hiện” - bà Dung kỳ vọng.

Chất vấn tại Quốc hội là một trong những hình thức giám sát tối cao, thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri và nhân dân có thể theo dõi, giám sát và đánh giá được ĐBQH là những người được cử tri bầu ra để đại diện cho mình trong việc quyết định các vấn đề của đất nước, và các thành viên Chính phủ là những người được nhân dân trao quyền lực. Tại phiên chất vấn lần này, Quốc hội sẽ tiếp tục áp dụng những cải tiến đã thực hiện tại các kỳ họp trước như: Mỗi lượt có 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn. “Hỏi nhanh, đáp gọn” cũng chính là vấn đề được cử tri mong muốn trong đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội trong thời gian qua. Nhưng điều được cử tri quan tâm nằm ở việc, các tư lệnh ngành “đi thẳng vào vấn đề”, đưa ra được những giải pháp để khắc phục những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội thông qua các vấn đề được ĐBQH đem ra chất vấn. Và nhân dân, ĐBQH sẽ là “thước đo” tín nhiệm cho các bộ trưởng thông qua hậu giám sát, hay lấy phiếu tín nhiệm từ các cam kết chính trị được chính các bộ trưởng đưa ra như một lời hứa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời hứa và trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO